Siết "nhà 2 giá" nhưng gây nhũng nhiễu: Đại biểu "truy" Bộ Tài chính

Nguyễn Mạnh Văn Hưng

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nêu vấn đề "nhà 2 giá" và đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ ràng các biện pháp chống thất thu thuế theo quy định, đảm bảo phát triển lành mạnh, tránh nhũng nhiễu...

Chỉ đạo "chung chung" gây hệ lụy, tiêu cực, nhũng nhiễu

 Phát biểu trước Quốc hội sáng nay (1/6), đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đã nêu ra loạt vấn đề rất đáng chú ý trong việc chống thất thu thuế kinh doanh chuyển nhượng bất động sản.

Theo ông Bình, thị trường bất động sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng "bán nhà 2 giá", tức là giá thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn phổ biến, gây thất thu ngân sách.

Để khắc phục vấn đề này, đại biểu cho biết Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản để thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế, hướng dẫn kê khai đúng giá trị chuyển nhượng. Việc này bước đầu có kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn thu. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình thẳng thắn cho rằng các chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn "chung chung", chưa giải quyết được triệt để gốc vấn đề mà ngược lại còn phát sinh bất cập, hệ lụy trong quá trình thực hiện.

Siết nhà 2 giá nhưng gây nhũng nhiễu: Đại biểu truy Bộ Tài chính - 1

Đại biểu Phan Thái Bình cho biết việc chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về vấn đề "nhà 2 giá" thời gian qua còn "chung chung" (Ảnh: Quốc hội).

Cụ thể, hiện nay theo quy định, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi theo giá trong hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không ghi giá hoặc thấp hơn giá đất Nhà nước quy định thì giá tính thuế tính theo khung Nhà nước…

"Bản chất là thỏa thuận dân sự của người mua và bán, như vậy nguồn gốc thất thu thuế chính là sự kê khai không trung thực của một bộ phận người dân khi tham gia giao dịch. Bên cạnh đó, bảng giá đất các địa phương hiện nay không sát với thị trường, còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế", đại biểu Bình nêu rõ.

Đáng chú ý, đặt ra vấn đề chống thất thu thuế thì cũng gắn với việc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ trong thu hồi đất, ông Bình thẳng thắn nhấn mạnh.

Đại biểu nêu ra vấn đề rất lớn, đó là khi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thì người dân chịu mức thuế cao hơn, theo giá trị trường. Nhưng khi bị thu hồi, đền bù thì áp theo giá Nhà nước, thấp hơn giá thị trường. Điều này dẫn đến "bất bình đẳng".

Ông Bình cũng chỉ ra việc các cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hay không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Do vậy, khi áp dụng biện pháp để chống thất thu, các địa phương không thống nhất, mỗi địa phương, mỗi người lại áp dụng một kiểu.

Một số cán bộ thuế còn nhũng nhiễu, chấp nhận tiêu cực để giải quyết thuận lợi

Từ phản ánh của cử tri, ông Bình cho biết có một số cơ quan thuế cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp giá tính thuế. Nhiều nơi yêu cầu người dân chấp nhận giá trị tính thuế cao hơn gấp 1,5-2 lần giá Nhà nước quy định mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp thấp hơn mức trên thì bị "ngâm" hoặc "mời lên làm việc nhiều lần", trả hồ sơ về với lý do chưa sát với thị trường.

Tuy nhiên ông Bình cho biết, căn cứ như thế nào để sát thị trường thì không rõ ràng, không minh bạch. Thực tế, có nhiều địa phương chậm giải quyết hồ sơ, tình trạng quá hạn rất lớn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh đời sống người dân.

Bên cạnh đó theo ông Bình, có một số cán bộ thuế còn nhũng nhiễu, chấp nhận tiêu cực để giải quyết thuận lợi. Về nguyên tắc, ông Bình cho rằng, cá nhân thực hiện 2 giá giao dịch thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cả về hành chính và hình sự, những hành vi này cần được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, các chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, UBND một số địa phương và một số cơ quan liên quan… còn chung chung thời gian qua, chưa giải quyết được các nhiệm vụ nêu trên.

Việc chỉ đạo chung chung, không có giải pháp rõ ràng về pháp lý và kỹ thuật, theo ông Bình, vô tình dẫn đến nguy cơ là công cụ phương tiện, để một số cơ quan, cán bộ thu , chủ thể khác như công chứng có điều kiện những nhiễu, trục lợi, tham nhũng tiêu cực, gây khó người dân.

Trước tình trạng nêu trên, đại biểu Bình đã đề nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế. Trong đó quy định xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật đất đai. UBND các địa phương cần cập nhật, bám sát giá đất nhà nước để tính thuế và tính chi phí bồi thường cho người dân khi thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng trong mối quan hệ này.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải quy định rõ ràng các biện pháp chống thất thu thuế theo đúng quy định pháp luật, để các cơ quan thuế địa phương đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, đưa thị trường phát triển lành mạnh, tránh tình trạng nhũng nhiễu, lạm quyền, khó khăn cho người dân.

Có những biểu hiện không lành mạnh trên thị trường chứng khoán, trái phiếu 

Vấn đề về thị trường vốn, chứng khoán cũng được đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, để đáp ứng nhu cầu về vốn, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp là những kênh huy động tất yếu. Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán và huy động vốn của doanh nghiệp thông qua thị trường tài chính đã có bước phát triển nhất định.

Tuy nhiên, gần đây thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những biểu hiện không lành mạnh. Cá biệt, đã có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi gây bất ổn trên thị trường. Điều này đã làm thiệt hại đến những người tham gia đầu tư và phần nào đó làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng và an toàn nền tài chính quốc gia.

Siết nhà 2 giá nhưng gây nhũng nhiễu: Đại biểu truy Bộ Tài chính - 2

Hồi tháng 3, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đại biểu tỉnh Bình Định kiến nghị các Bộ, ngành cần rà soát các quy định pháp luật về chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa luật; có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, tiền tệ, làm lành mạnh hóa các thị trường này.

"Kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, chấp hành các quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cơ quan chức năng cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin và trang bị kiến thức đến người dân", bà Hạnh nói.

Liên quan đến vấn đề giao thông, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu, sớm đầu tư các tuyến đường Đông - Tây, qua đó tạo lợi thế phát huy tiềm năng cho các tỉnh phía Tây của đất nước. Theo vị này, rất cần tuyến đường nối các tỉnh Tây Nguyên với cảng Quy Nhơn và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm