Bộ Tài chính "bật đèn xanh" hạ thuế cho Dung Quất

(Dân trí) - "Đề xuất của Bình Sơn chúng tôi thấy hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các sản phẩm từ cơ sở sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu" - lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

"Dung Quất không được đối xử công bằng"

Do giá dầu thế giới xuống thấp, việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 của Công ty Bình Sơn thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Tập đoàn PVN (đơn vị có 100% vốn đầu tư vào Bình Sơn - công ty quản lý vận hành, sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu diesel, madút và JET-A1 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì riêng trong năm 2015, Nhà nước phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng (ảnh minh hoạ).

Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì riêng trong năm 2015, Nhà nước phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng (ảnh minh hoạ).

Theo PVN, từ tháng 1/2016, sản phẩm diesel nhập từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc có thuế về 0% trong khi sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất vẫn giữ thuế 10%.

Đối với mặt hàng xăng, theo lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0% nhưng thỏa thuận FTA với Hàn Quốc những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10% trong khi xăng Dung Quất là 20%. Thời gian tới thỏa thuận với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ Nhật Bản về 10%.

Như vậy, chênh lệch thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng sẽ là 10%, tức giá của xăng và dầu Dung Quất cao hơn hàng ngoại nhập 10%. Điều này được cho là nguyên nhân dẫn đến sản phẩm của Dung Quất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, hàng không bán được và nguy cơ phải đóng cửa vì khó khăn.

"Hàng rào thuế quan là để bảo hộ hàng hóa trong nước. Khi chúng ta cam kết giảm thuế ở sân chơi toàn cầu thì việc giảm thuế cho hàng nội là điều hiển nhiên và cần thực hiện sớm để doanh nghiệp không bị thua ngay trên sân nhà, chỉ vì bất công bằng" - phía Bình Sơn lập luận.

Vì vậy, PVN nhiều tháng nay đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền hạ thuế suất thuế nhập khẩu "ngang bằng với mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc" đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đề xuất của PVN "hoàn toàn cần thiết và hợp lý"

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: "Việc đề xuất của Bình Sơn chúng tôi thấy hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các sản phẩm từ cơ sở sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu".

Theo ông Tuấn, điều này đảm bảo được mức bảo hộ hợp lý theo đúng các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại.

Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, "việc thực hiện các chính sách vừa qua đối với Bình Sơn hoàn toàn không phải ưu đãi mà là nghĩa vụ của Bình Sơn đối với ngân sách nhà nước. Do vậy để thực hiện nghĩa vụ này thì nhà sản xuất trong nước phải được bình đẳng với nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc".

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Ông Tuấn cũng giải thích thêm, vấn đề bình đẳng ở đây không phải do Bình Sơn quan trọng, mà là sự bình đẳng chung của tất cả các sản phẩm hàng hóa trong đó các sản phẩm xăng dầu do Bình Sơn sản xuất - có nghĩa các sản phẩm trong nước cũng phải được đối xử bình đẳng như các sản phẩm được nhập khẩu.

Tuy nhiên, có một vấn đề nếu hạ thuế về với mức của Hàn Quốc-ASEAN sẽ liên quan đến cơ chế tài chính đặc thù của Bình Sơn, đó là ngân sách nhà nước phải bù lại lại cho Bình Sơn đối với những khoản thiếu hụt.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Tuấn cho biết, sau khi hiệp định giữa Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực, Bộ Tài chính chờ Hiệp định ASEAN- Hàn Quốc có hiệu lực sẽ trình Chính phủ sửa cơ chế tài chính phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay và đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Cụ thể, Bộ sẽ trình sửa theo hướng doanh nghiệp Bình Sơn thực hiện nghĩa vụ thuế hoàn toàn theo các Luật thuế, theo quy định của nhà nước hiện nay và bỏ cơ chế nếu thuế nhập khẩu hạ xuống dưới mức 7% thì nhà nước bù.

Trước đó, theo tính toán của PVN, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì riêng trong năm 2015, Nhà nước phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng và giai đoạn 2016-2018, mỗi năm phải bỏ ra hơn 3.000 tỉ đồng để bù giá cho Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đến nay, có thời điểm giá dầu đã xuống dưới 30 USD/thùng.

"Kêu cứu" vẫn lãi gần 5.700 tỉ đồng năm 2015

Đây không phải là lần đầu PVN "dọa" đóng cửa Dung Quất. Hồi năm ngoái khi thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35% xuống còn 20%; thuế nhập khẩu dầu diesel từ mức 30% và có lộ trình giảm xuống còn 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% cho năm 2016 đến năm 2018, thời điểm đó, Dung Quất cũng đã "kêu cứu" và lo ngại phải đóng cửa nhà máy. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã đồng ý điều chỉnh mức thuế áp dụng cho xăng của Dung Quất từ 35% giảm xuống còn 20%, dầu diesel giảm từ 30% xuống còn 20%.

Mới đây, Công ty Bình Sơn cũng lên tiếng và đưa ra lập luận: "Với một nhà máy chế biến hoa quả, thủy sản hay da giày, quần áo… một khi sản phẩm bị áp thuế cao quá, dẫn đến giá bán cao, không bán được thì doanh nghiệp có thể ngừng sản xuất trong 1-2 ngày... Nhưng với một nhà máy đồ sộ như Lọc dầu Dung Quất, việc dừng nhà máy phải mất 2 tuần, việc khởi động lại nhà máy cũng mất chừng 10 ngày, đó là yêu cầu của một chu trình kỹ thuật.".

Đồng thời công ty này cũng cảnh báo: "Quan trọng hơn, ngừng sản xuất sẽ đe dọa an ninh năng lượng quốc gia bởi nhà máy đáp ứng 35% sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước, đồng thời đe dọa an ninh quốc phòng".

Năm ngoái, mặc dù "kêu cứu" vì khó khăn song Bình Sơn vẫn báo cáo sản xuất kinh doanh khá khả quan khi đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch năm; lợi nhuận nhất sau thuế năm 2015 đạt 5.690 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch.

Hiện tại, Dung Quất đang được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu khác. Bên cạnh đó, nhà máy này được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm; miễn thuế đất trong 15 năm; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân…

Bích Diệp

Bộ Tài chính "bật đèn xanh" hạ thuế cho Dung Quất - 3