1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dân đang phải "móc" tiền túi tăng lãi cho doanh nghiệp xăng dầu?

(Dân trí) - Việc liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn giữ nguyên cách tính giá cơ sở dựa trên thuế suất cũ trong khi thuế suất nhập khẩu xăng dầu từ nhiều thị trường đã giảm mạnh dẫn đến việc người dân đang phải "móc" tiền túi để tăng lãi cho các doanh nghiệp xăng dầu.

Doanh nghiệp hưởng lợi FTA, người tiêu dùng thì không!

Với việc ký kết thêm hàng loạt hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây, thuế suất các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có những thay đổi, phần lớn đều được thu hẹp lại.

Riêng với xăng dầu, mặc dù là nước xuất khẩu dầu thô nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu mặt hàng này. Về lý thuyết, khi thuế nhập khẩu xăng dầu được giảm thì người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng mức giá rẻ hơn.

Giá xăng dầu bán lẻ đã giảm mạnh trong năm qua, song thực tế, người dân vẫn đang bị móc túi vì phải đóng thuế cao hơn so mức doanh nghiệp thực nộp.
Giá xăng dầu bán lẻ đã giảm mạnh trong năm qua, song thực tế, người dân vẫn đang bị "móc túi" vì phải đóng thuế cao hơn so mức doanh nghiệp thực nộp.

Theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính, từ 1/1/2015, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN chỉ còn chịu mức thuế suất là 5%, còn thuế suất nhập khẩu với dầu mazut là 0%. Từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ ASEAN vào Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0%. (Đây là thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam. Năm 2015, trong tổng cộng hơn 10 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam thì quá nửa được nhập từ ASEAN: từ Singapore là 3,84 triệu tấn, từ Thái Lan là 2,28 triệu tấn).

Trong khi đó, với mặt hàng xăng RON 92, mức thuế suất nhập khẩu từ ASEAN trong năm 2015 và 2016 vẫn là 20% nhưng từ năm 2016, do hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã được ký kết nên thuế suất nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc chỉ còn 10% (tức bằng một nửa mức thuế nhập khẩu ưu đãi - MFN).

Điều đáng nói là trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn áp dụng mức thuế nhập khẩu MFN theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 với xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10% và dầu hỏa là 13%.

Như vậy, trong khi doanh nghiệp được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do mới thì người tiêu dùng vẫn "cắn răng" chịu mức thuế cũ do cách tính giá cơ sở của liên Bộ chưa thay đổi. Vô hình chung, người tiêu dùng đã phải "móc" tiền túi của mình để tăng lãi cho doanh nghiệp xăng dầu.

Báo cáo tài chính năm 2015 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, bức tranh tài chính của doanh nghiệp này trong năm 2015 đã trở nên "sáng" hơn rất nhiều so với trước đó. Cụ thể, năm qua, Petrolimex lãi sau thuế 3.138,5 tỉ đồng - đảo ngược hoàn toàn so với kết quả lỗ hơn 9 tỉ đồng của năm 2014. Riêng công ty mẹ Petrolimex ghi nhận lãi 2.142 tỉ đồng, gấp 37 lần con số lãi 58,5 tỉ đồng của năm 2014.

Cần lưu ý rằng, năm 2015, doanh nghiệp xăng dầu mới chỉ chủ yếu hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất ở các mặt hàng dầu, sang năm 2016 này, khi chênh lệch thuế suất xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ còn một nửa thuế nhập khẩu MFN thì dự báo, lãi của các doanh nghiệp còn "khủng" hơn.

Số liệu Hải quan cũng cho thấy, trong tháng đầu tiên của năm 2016, các doanh nghiệp Việt đã tăng nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc lên 22,5 triệu USD. Báo cáo tài chính quý I/2016 của các doanh nghiệp sẽ phản ánh rõ hơn điều này!

Nên đưa phần chênh lệch vào Quỹ bình ổn giá

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, chính sự chênh lệch giữa mức thuế phải nộp trong cơ sở tính giá và mức thuế mà doanh nghiệp thực nộp là một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn năm vừa qua.

Theo ông Long, cơ quan chức năng cần xem lại cách định giá cơ sở là dựa trên mức tính thuế nào, liệu rằng có nên bám sát hơn diễn biến của thực tế hay không?

Để sòng phẳng trong vấn đề này, theo chuyên gia Ngô Trí Long, Nhà nước cần thu lại khoản tiền chênh lệch trên, tuy nhiên, việc này do cơ quan quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) thu chứ không phải là cơ quan thuế.

"Quan điểm của tôi là không nên đưa khoản này vào NSNN mà nên đưa vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì bất cập ở đây xuất phát từ nguồn bán xăng dầu. Do đó, nguồn thu đó nên đưa vào quỹ bình ổn giá như một cách "trả" lại cho người dân" - ông Long phân tích.

Trong khi đó, thuế phí vẫn đang chiếm quá nửa giá bán lẻ xăng dầu. Về vấn đề này, vị chuyên gia đánh giá, giữa bối cảnh NSNN eo hẹp, thất thu, bội chi ngân sách lớn thì rất khó để trông chờ vào việc trong ngắn hạn sẽ có sự đột phá về cắt giảm thuế phí trong giá xăng dầu. Tuy nhiên, để cân đối lợi ích "3 nhà" (nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng), nếu thu nhiều thuế quá, có lợi cho Nhà nước nhưng tạo áp lực lớn lên người tiêu dùng thì cần xem xét lại.

Ông Long nhận định, người tiêu dùng hiện vẫn chưa hoàn toàn được hưởng lợi ích từ diễn biến giá xăng dầu thế giới. Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao thì người tiêu dùng phải chịu, vậy thì khi giá thế giới xuống thấp, nhẽ ra họ cũng được hưởng mức giảm tương ứng - vị chuyên gia nhận xét.

Bích Diệp

Dân đang phải "móc" tiền túi tăng lãi cho doanh nghiệp xăng dầu? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm