Bỏ phố về quê làm nước mắm, kỹ sư Thanh Hóa thu tiền tỷ mỗi năm

Hoàng Dung

(Dân trí) - Với mong muốn giữ lại, bảo tồn nghề truyền thống của quê hương, anh Nguyễn Thế Hoàng (Thanh Hóa) đã bỏ phố về quê khởi nghiệp với nghề làm nước mắm.

Kỹ sư về quê làm nước mắm

Từng rời quê lên thành phố với mong ước thoát nghèo, thoát khổ thì nay anh Nguyễn Thế Hoàng, sinh năm 1979 ở Hải Bình (Nghi Sơn, Thanh Hóa) lại bỏ phố về quê khởi nghiệp với nghề làm nước mắm.

Anh kể, cha mẹ anh luôn mong muốn con cái thoát ly để không phải vất vả, bán lưng cho đất, bán mặt cho trời. Thế nên, sau khi học xong đại học, anh đã ở lại thành phố mưu sinh, lập nghiệp.

"Cuộc đời tôi có khá nhiều thăng trầm, vào Nam ra Bắc lập nghiệp đủ cả. Có 3 nơi tôi ở lại, sinh sống, công tác lâu nhất là TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng. Vốn là kỹ sư, tôi có mức lương khá ổn, đều trên 20 triệu đồng/tháng, tuy không cao nhưng cũng gọi là đủ ăn, đủ sống và đủ nuôi con", anh Hoàng nói.

Tuy nhiên, mọi thứ đều thay đổi vào năm 2017 khi anh chia tay Hải Phòng về Thanh Hóa làm nước mắm. Lúc đưa ra quyết định, anh không được gia đình ủng hộ. Dù thế, anh vẫn khăn gói quả mướp về quê.

"Không phải tự nhiên tôi bỏ phố về quê làm nước mắm, bởi dự định này tôi đã ấp ủ từ rất lâu. Được đi, sinh sống ở nhiều nơi, tôi thấy vị nước mắm ở quê mình rất ngon. Trong khi, nghề này đang có nguy cơ bị mai một, không được phát triển khi nhiều người trẻ như tôi đều rời quê đến các thành phố lớn lập nghiệp", anh nói.

Bỏ phố về quê làm nước mắm, kỹ sư Thanh Hóa thu tiền tỷ mỗi năm  - 1

Anh Nguyễn Thế Hoàng trong xưởng làm nước mắm tại Thanh Hóa (Ảnh: NVCC).

Để thực hiện giấc mơ, anh Hoàng đành tạm xa vợ con ở Hải Phòng về Thanh Hóa trước một năm. Khi công việc ổn định, anh mới đón gia đình vào. 

"Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở vùng biển, gia đình lại có truyền thống từ xưa làm nước mắm nên khi tôi trở về không có gì là bỡ ngỡ. Tuy nhiên, cách làm của bố mẹ tôi vẫn theo lối cũ, sản xuất hay buôn bán vẫn ở quy mô nhỏ. Thế nên lần này tôi về là muốn thay đổi lại tất cả, vừa là giữ nghề, vừa là chuyên nghiệp hóa sản xuất cho sản phẩm hợp với thời đại", anh cho hay.

Việc cải tiến, thay đổi đầu tiên mà anh Hoàng làm khi trở về là xây dựng và thiết kế lại nhà xưởng theo tiêu chuẩn mới. Công đoạn đánh khuấy nước mắm trong chum vại ngày xưa cũng được thay thế bằng phương pháp gài nén trong thùng gỗ. Còn khâu đóng gói bao bì, làm nhãn mác, nhận diện thương hiệu đều được anh đầu tư, chú trọng hơn.

"Để có tiền đầu tư vào sản xuất, thời điểm đó, tôi phải cắm một mảnh đất để vay 500 triệu đồng làm vốn. Ngoài ra, tôi còn bỏ ra một số tiền để đi đến những nơi làm nước mắm nổi tiếng như Nha Trang, Phan Thiết học hỏi kinh nghiệm, kiến thức vì cách làm ở nhà tôi đã cũ quá rồi", anh Hoàng tâm sự.

Hiện thực hóa giấc mơ

Theo anh Hoàng, ở vùng biển Thanh Hóa có nhiều nguồn cá làm nước mắm rất chất lượng, không thua kém gì các tỉnh khác. Tuy nhiên, vị nước mắm ở đây hơi đậm so với các nơi nên anh phải cải tiến, làm lại công thức để làm sao cho vị dịu xuống, phù hợp với đại đa số người dùng.

Ngoài kinh nghiệm gia đình truyền lại, để có thêm kiến thức, anh phải tự mua tài liệu về nghiên cứu, học, đọc và kết hợp với việc đến các tỉnh làm nước mắm trải nghiệm, tham quan mô hình.

"Cuối năm 2017, tôi bắt đầu làm mẻ nước mắm đầu tiên. Nghề này, nếu như đã có công thức chuẩn thì tỷ lệ sai sót là gần như không, nên khi bắt tay vào làm, tôi khá tự tin. Thời gian cho ra một mẻ nước mắm là khoảng 1 - 2 năm. Do đó, tôi đã tranh thủ xây dựng nhà xưởng, hoàn thiện quy trình đóng chai, làm bao bì trong lúc chờ đợi", anh Hoàng nhớ lại.

Bỏ phố về quê làm nước mắm, kỹ sư Thanh Hóa thu tiền tỷ mỗi năm  - 2

Các thùng gỗ làm nước mắm (Ảnh: NVCC).

Mẻ nước mắm đầu tiên của anh Hoàng gồm 40 tấn cá, ủ trong 5 thùng gỗ. Theo tính toán, cứ một tấn cá sẽ cho ra 500 lít nước mắm, 40 tấn tương đương là 20.000 lít. Một năm, nếu lượng cá ổn định, anh có thể làm 2 mẻ nước mắm, một mẻ vào tháng 2 - 3, một mẻ vào tháng 9 - 10.

Trong những năm đầu, khi nước mắm chưa ra lò, vấn đề đau đầu nhất anh Hoàng là vốn chưa thu lại được mà đã phải quay vòng sản xuất. Do đó, anh bàn với vợ cùng nhau kinh doanh thêm hải sản để lấy ngắn nuôi dài, duy trì nhà xưởng cũng như có thêm đồng ra đồng vào.

Sau thời gian dài chờ đợi, những giọt nước mắm đầu tiên của anh Hoàng đã xuất xưởng. Tuy nhiên, với số lượng lớn sản phẩm, việc tiêu thụ ở đâu, bán cho ai, bán như thế nào với 7x Thanh Hóa cũng là thách thức lớn. Để mở rộng tệp khách hàng, anh Hoàng phải gõ cửa từng cửa hàng, siêu thị để tiếp thị sản phẩm và tham gia các hội chợ để quảng cáo nước mắm.

"Phải đến cuối năm 2019, tôi mới bán hết 20.000 lít nước mắm từ mẻ đầu tiên, nói chung là cũng chật vật. Nhưng sau mẻ đó, tôi có nhiều khách hàng hơn, như bây giờ, xưởng tôi làm hàng ra đến đâu đã có khách đặt hàng ngay đến đó. Ví dụ, năm 2020, nhà tôi bán ra thị trường hàng nghìn lít nước mắm mang về doanh thu hơn 1 tỷ đồng", anh tiết lộ.

Hiện nay, ngoài bán buôn, bán lẻ theo hình thức truyền thống, anh Hoàng còn mang nước mắm phân phối trên sàn thương mại điện tử, chợ mạng. Để đi xa hơn, năm nay, anh còn mạnh dạn gửi mẫu nước mắm cho các đối tác người Hàn Quốc để họ kiểm duyệt chất lượng, với hy vọng, sản phẩm sẽ có biên giới xa hơn.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch phường Hải Bình (Nghi Sơn, Thanh Hóa) - đánh giá, hợp tác xã làm nước mắm của anh Nguyễn Thế Hoàng là mô hình tiêu biểu, cần được nhân rộng ở địa phương. Ngoài giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động, hợp tác xã này còn giúp thu mua, tiêu thụ hải sản cho bà con ngư dân vùng biển.