Bộ Công Thương lên tiếng trước đề xuất giảm giá xăng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều nay (30/9), đại diện phía Bộ Công Thương đã có những chia sẻ xung quanh đề xuất xem xét phương án giảm giá xăng.

Kiến nghị này trước đó được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 hôm 26/9. 

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, vừa qua Bộ luôn bám sát thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp xăng dầu trong nguồn cung, điều hành nhịp nhàng hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh với mức giá đảm bảo lợi ích các bên: nhà nước, doanh nghiệp, người dân. 

Bộ Công Thương lên tiếng trước đề xuất giảm giá xăng - 1

Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Ảnh: PT) .

Theo bà Nga, 9 tháng năm nay CPI tăng 1,82%, mức rất thấp so với chỉ tiêu giao của Quốc hội là kiểm soát dưới 4%. Với con số này, bà cho rằng có sự đóng góp của giá xăng dầu với mức chi phí hợp lý. 

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng nghiên cứu đề xuất khối doanh nghiệp về việc giảm giá điện, giá xăng, bà Nga cho hay Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường (đặc biệt là thị trường thế giới), cùng với đó bám sát việc điều hành phối hợp với Bộ Tài chính, đưa ra nhận định đánh giá, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu. 

"Trong thời gian tới, có thể giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng khi các quốc gia dần dần mở cửa, tái sản xuất kinh doanh, du lịch... Việc giảm giá ở thị trường thế giới rất khó xảy ra", bà Nga nhận định.

Vậy điều hành trong nước ra sao? Bà Nga cho biết ngoài việc tính toán nguồn cung ra thì còn xem xét quỹ bình ổn, đồng thời làm việc với Bộ Tài chính liên quan tới những xem xét về giảm thuế...

"Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan khác để làm sao điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp", bà Nga nhấn mạnh thêm.

Trao đổi thêm với phóng viên liên quan tới xu hướng giá dầu tăng và việc sản xuất khai thác dầu thô trong nước sẽ ra sao, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chung nhận định, giá dầu thế giới sắp tới sẽ tăng chứ khó giảm.

Tuy nhiên ông Hải nhấn mạnh, đây mới chỉ là "nhận định về xu hướng", không ai có thể khẳng định chắc chắn được.

Nhận định này theo ông Hải được đưa ra dựa trên việc nghiên cứu xu hướng thường thấy vào dịp cuối năm, nhu cầu nguyên nhiên liệu hay tăng cao.

Bên cạnh đó theo ông Hải, năm nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, việc sản xuất kinh doanh trở lại, nền kinh tế hồi phục, nhu cầu về nguyên liệu nhiều hơn. Nhiều tổ chức cũng nhận định sẽ tăng vào cuối năm đối với các nguyên liệu, trong đó có xăng dầu.

Việc giá dầu tăng, ông Hải cho biết với Việt Nam có 2 mặt cả tiêu cực và tích cực. Bởi giá dầu thô tăng thế giới tăng thì sẽ giúp giá xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn, mang lại lợi ích cho ngân sách.

Song ngược lại theo ông Hải, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu. Dầu thô tăng thì giá xăng dầu thành phẩm tăng, điều này lại ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Vậy nếu giá dầu tăng thì trong nước sản xuất thế nào, ông Hải cho biết, với PVN, đầu ra tốt thì đương nhiên tăng cường sản xuất. Nhưng nếu sản xuất nhiều lên mà đầu ra không tốt sẽ gây tồn đọng, khó khăn. Vừa qua do tình hình thị trường, có lúc giảm 60-80%.

"Đây là bài toán mà doanh nghiệp phải tính toán kỹ, làm sao để tăng sản xuất nhưng phải giải phóng được hàng mình sản xuất…", ông Hải cho biết, vừa qua đã đồng ý cho PVN tăng xuất khẩu, mang lại nguồn thu cho ngân sách.