Bộ Công Thương lập tổ công tác đặc biệt kiểm tra nhân sự tại Vinachem

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định thành lập tổ công tác rà soát chức năng, nhiệm vụ, quản lý cán bộ của Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).


Thành viên Hội đồng thành viên Vinachem, ông Vũ Đình Duy (bên trái, cầm quyết định) tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm - hiện đang không biết ở đâu.

Thành viên Hội đồng thành viên Vinachem, ông Vũ Đình Duy (bên trái, cầm quyết định) tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm - hiện đang không biết ở đâu.

Theo đó, Tổ công tác chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công Thương và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, gồm 4 thành viên, trong đó, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ làm tổ trưởng.

Ngoài ra, Tổ công tác cũng có 3 tổ viên khác gồm: Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất; Ông Hoàng Anh Dương, Phó Chánh thanh tra Bộ; Ông Trần Văn Bình, Hàm Trưởng phòng cán bộ công chức, Vụ Tổ chức Cán bộ làm tổ viên kiêm thư ký.

Ngay khi nhận quyết định của Bộ trưởng, lúc 14h chiều nay (4/11), Tổ công tác đã có mặt tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, bắt đầu thực hiện công việc rà soát, kiểm tra công tác quản lý cán bộ tại đây.

Tổ công tác đã yêu cầu hội đồng thành viên Tập đoàn làm rõ các thông tin liên quan đến ông Vũ Đình Duy - Thành viên trong Hội đồng thành viên của Vinachem. Đồng thời, yêu cầu ban hành và thực hiện quy chế làm việc của Hội đồng thành viên; Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Hội đồng thành viên cũng như kiểm tra công tác quản lý việc đi nước ngoài, hộ chiếu của các nhân sự trong Hội đồng thành viên Vinachem cũng như công tác quản lý cán bộ tại đây.

Như tin đã đưa trước đó, hôm qua, trao đổi với Dân Trí, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương xác nhận, ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí đã vắng mặt tại cơ quan nhiều ngày qua mà không có sự cho phép của lãnh đạo Tập đoàn.

Trước đó, có nguồn tin cho biết, ông Duy có giấy xin phép nghỉ phép, trong đó có nói “có thể phải đi chữa bệnh nước ngoài”. Bộ Công Thương đã giao cho một lãnh đạo liên lạc với Vinachem để làm rõ thông tin thế theo lãnh đạo của bộ này thì Bộ mới chỉ nhận được báo cáo của Vinachem vào ngày 2/11 và mới biết sự việc này, "hiện chưa biết ông Duy đang ở nước nào".

Trong thông cáo phát đi sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công Thương cho biết: "Ngày 2/11, tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh".

"Liên quan đến việc này, Bộ Công Thương có quan điểm như sau: Bộ không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy. Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước", Bộ Công Thương cho biết.

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, theo kế hoạch, đoàn Thanh tra Bộ Công Thương từng có kế hoạch làm việc với Vinachem nhưng Vinachem đã xin hoãn lại. Được biết, sau khi Bộ Công Thương thông báo 1 ngày, ngày 14/10, Vinachem đã có công văn gửi Bộ cho biết, hiện nay, ông Chu Văn Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dự kiến đến hết ngày 21/10 mới ra viện.

Về hoạt động sản xuất - kinh doanh, theo báo cáo của Vinachem, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Vinachem gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy các chỉ tiêu cơ bản đạt được trong quý II và 6 tháng đầu năm 2016 của toàn Tập đoàn đều giảm so với cùng kỳ năm 2015, lũy kế 6 tháng ước đạt 20.918 tỷ đồng, giảm 10,1%. Doanh thu quý II ước đạt 12.069 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng ước đạt 21.521 tỷ đồng, giảm 7,4%.

Riêng đối với dự án Nhà máy đạm Ninh Bình với vốn đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng, nhà máy này chính thức hoạt động cách đây 4 năm và hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, gặp sự cố và phải dừng sản xuất từ cuối tháng 3/2016.

Theo báo cáo của Vinachem, tổng mức lỗ tới nay đã lên tới trên 2.700 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Trong năm 2015, dù đã được Chính phủ và các Bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… nhưng công ty vẫn thua lỗ 906 tỷ đồng (năm 2013), 738 tỷ đồng (năm 2014), 592 tỷ đồng (năm 2015) và 456,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016.

Phương Dung