1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ Công Thương: Không bổ sung bất kỳ thủy điện nào chiếm đất rừng tự nhiên

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Lãnh đạo Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo khẳng định kiểm soát kỹ về vấn đề diện tích chiếm đất nói chung, đặc biệt là các diện tích chiếm đất lúa, đất rừng khi thực hiện dự án thuỷ điện.

Bộ Công Thương: Không bổ sung bất kỳ thủy điện nào chiếm đất rừng tự nhiên - 1
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Đỗ Đức Quân.

Tại tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, Bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII, theo đó 13 quy hoạch bậc thang thủy điện trên các sông lớn và quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc sẽ được tích hợp vào quy hoạch này.

Trong đó, các dự án thủy điện lớn được triển khai mở rộng bao gồm thủy điện Hòa Bình, thủy điện Ialy… Ngoài ra, một số những dự án thủy điện vừa và nhỏ có hiệu quả, không ảnh hưởng đến vấn đề đến môi trường cũng sẽ được xem xét.

Ông Đỗ Đức Quân khẳng định, quy hoạch thủy điện sẽ được đánh giá, xem xét theo hướng đảm bảo hài hòa, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung.

“Trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới đây, nói riêng về dự án thủy điện nhỏ chúng tôi kiểm soát rất kỹ, ngoài việc chuyên môn về thủy điện chúng tôi còn kiểm soát rất kỹ về vấn đề diện tích chiếm đất nói chung và đặc biệt là các diện tích chiếm đất lúa, đất rừng”, ông Quân nói.

Để tiếp tục phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, đảm bảo hiệu quả đầu tư, ông Quân cho biết quan điểm của Bộ là kiên quyết loại khỏi quy hoạch và đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi dự án nếu nhận thấy có các ảnh hưởng tiêu cực.

“Từ năm 2016 đến nay, tất cả các dự án thủy điện nhỏ mà bổ sung quy hoạch thì không có chiếm một mét nào đất rừng tự nhiên. Chúng tôi cũng không thống nhất việc các tỉnh đã chiếm đất rừng tự nhiên không bổ sung quy hoạch”, ông Quân cho biết.

Theo vị này, hiện vẫn có một số địa phương đề xuất để phát triển thủy điện nhỏ. Đối với những dự án này, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét, lựa chọn những dự án có hiệu quả nhưng ảnh hưởng ít đến môi trường.

“Trận lũ lụt ở miền Trung thời gian vừa qua thì có thể nói đó là thiên tai, thảm họa rất lớn. Chúng tôi cũng đang, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp cũng như là đề xuất yêu cầu của các địa phương để đánh giá lại với tình hình biến đổi khí hậu và tính mưa lũ cực đoan như thời gian vừa qua để có định hướng phát triển các dự án thủy điện nhỏ ở trên địa bàn của các tỉnh trong thời gian tới”, ông Quân thông tin.

Ông Đỗ Đức Quân cũng cho biết thêm, tỷ lệ phát triển thủy điện sẽ giảm xuống khá nhiều trong thời gian tới. Cụ thể tỷ lệ sẽ chỉ còn khoảng 20% và 12% vào những năm 2040, 2045.

Bộ Công Thương: Không bổ sung bất kỳ thủy điện nào chiếm đất rừng tự nhiên - 2

Theo số liệu từ Bộ công Thương, trong quy hoạch trên địa bàn cả nước, hiện nay có 988 dự án thủy điện (28.327 MW).

Trong đó, về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn: Đã vận hành phát điện 88 công trình (16.123,9 MW); đang thi công xây dựng 15 dự án (1.012,7 MW); đang nghiên cứu đầu tư 13 dự án (1.612,5 MW); có 3 dự án (128 MW) chưa nghiên cứu đầu tư.

Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ: Đã vận hành phát điện 341 công trình (3.582,66 MW); đang thi công xây dựng 158 dự án (2.122,75 MW); đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án (3.121,65 MW); chưa nghiên cứu đầu tư 69 dự án (622,8 MW).

Về hiện trạng các công trình đập, Bộ Công Thương cho biết hiện nay trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào vận hành khai thác, các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước.