1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủy điện mùa lũ: Cách nào xử lý lợi ích người dân, chủ hồ?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Việc tổ chức thực hiện vận hành để bảo đảm đâu là lợi ích của nhà đầu tư, đâu là lợi ích của người dân và đâu là lợi ích của ngành thì vẫn phụ thuộc vào người điều hành

2 yếu tố quan trọng để xử lý vấn đề lợi ích người dân, chủ hồ

Tại tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra chiều nay (3/11), tại Hà Nội, vấn đề vận hành liên hồ chứa và việc giải quyết mâu thuẫn lợi ích đảm bảo an toàn cho hạ lưu với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho phát điện hoặc các lợi ích kinh tế khác được đánh giá là khá phức tạp.

Khi bão lũ hoành hành ở khu vực miền Trung, câu chuyện lợi ích này lại tiếp tục nóng lên. Nhiều ý kiến cho rằng thuỷ điện là nguyên nhân gây “lũ chồng lũ”. Việc mưa lớn kéo dài cộng với nhiều hồ thủy lợi, thủy điện xả tràn làm nhiều khu dân cư ở miền Trung thiệt hại. Rồi có thông tin chủ hồ tích nước trái phép, không tính toán đến lợi ích chung của người dân.

Ông Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam - nhấn mạnh: Giải quyết bài toán lợi ích là “vấn đề quan trọng”. Trong quá trình vận hành các lưu vực chứa thì cho phép chứa một lượng nước nhất định.

Như vậy xả bao nhiêu là một câu chuyện được cân nhắc vô cùng. Bởi nếu xả nhiều quá thì lượng mưa tiếp theo có thể không đủ, hiệu quả cung cấp điện lại thấp đi và ngược lại.

Thủy điện mùa lũ: Cách nào xử lý lợi ích người dân, chủ hồ? - 1

Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam.

Để giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa đảm bảo an toàn cho hạ lưu với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, theo ông Thắng quan trọng nhất vẫn phải nâng cao năng lực dự báo.

Vị chuyên gia cho biết, tại một số nước, ở các lưu vực sông lớn họ đều có một trung tâm vận hành và họ tập trung rất cao để dự báo để đạt được sự chính xác cao nhất. “Nếu làm được điều này chúng ta sẽ rất chủ động, hiệu quả cung cấp điện, cấp thoát nước sẽ được tăng lên và các công tác bảo đảm an toàn cho vùng hạ du cũng sẽ được tăng lên” - ông Thắng nói.

Yếu tố thứ hai được ông Thắng đề cập đến đó là năng lực chỉ đạo. Vào mùa mưa lũ, hạn mực nước như thế nào do chính quyền, cụ thể là cơ quan phòng chống thiên tai của trung ương hoặc địa phương quyết định. Vai trò của chủ đập là người trực tiếp vận hành.

“Tôi nghĩ mọi lưu vực sông lớn đều phải kết nối với các cơ quan khoa học để dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản cho cơ quan quản lý để ra quyết định” - ông Thăng nói và cho biết trên các sông nhỏ hơn thì kết nối với 2-3 cơ quan khoa học để xây dựng những kịch bản hợp lý nhất.

Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ chuyên gia dự báo, bà Nguyễn Lan Châu - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương - lại cho biết công tác dự báo thực tế còn nhiều khó khăn, có những chỉ số không bao giờ dự báo được.

Theo vị này, các bản tin dự báo chẳng hạn như cơn bão sắp tới rất chi tiết cho những địa phương vùng núi, chỉ dự báo khoanh vùng lớn. Vùng núi là vùng địa hình khó nhưng lại thiếu trạm quan trắc, dù có vệ tinh nhưng dự báo lượng mưa khó khăn và không chính xác trong khi biến đổi tác động mạnh mẽ như hiện nay.

“Những năm gần đây biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ và ngày càng nghiêm trọng đến toàn thế giới cũng như Việt Nam, thể hiện những chỉ số bất thường, dị thường, cực đoan, lớn nhất lịch sử, hiếm thấy, thể hiện ở những trận mưa, bão, lũ trong tháng 10/2020” - bà Châu nhân xét.

Theo bà Châu, chưa bao giờ trong 1 tháng có 4 trận bão, "bão chồng bão" tàn phá miền Trung như vậy. Cũng trong khoảng thời gian đó, có 4 đợt lũ xảy ra lũ lịch sử trên sông Hiếu (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Kiến Giang (Quảng Bình).

Nếu ngập lụt vượt mức quy hoạch đó thì nhà đầu tư phải đền bù

Tại tọa đàm, ông Mai Sỹ Diến - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - nói có hai vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay: Một là cần làm rõ thủy điện có phải là nguyên nhân của lũ lụt không. Hai là vận hành hồ đập thủy điện phải giải quyết được mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và ngành.

“Việc tổ chức thực hiện vận hành để bảo đảm đâu là lợi ích của nhà đầu tư, đâu là lợi ích của người dân và đâu là lợi ích của ngành thì vẫn phụ thuộc vào người điều hành” - ông Diến nói.

Ông Diễn cũng cho rằng, vấn đề thông tin dự báo, biến đổi khí hậu khiến việc dự báo rất khó, nhưng “không phải vì khó mà không đầu tư các công cụ để dự báo”. Nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm với vấn đề này. Đối với nhà quản lý thì phải liên kết giữa các nhà đầu tư để có thông tin giữa các nhà đầu tư nước nguồn về bao nhiêu? Nước lũ bao nhiêu? Phải có thông tin và đầu mối điều hành...

Qua trao đổi với lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Diến cũng cho biết đồng tình việc không đầu tư công trình thủy điện ảnh hưởng đến nguồn rừng tự nhiên, còn liên quan đến rừng trồng thì tùy dự án cụ thể để xem xét.

Ông Diến cho biết: Vấn đề an toàn hồ đập cần được đặt lên hàng đầu. Đảm bảo an toàn từ khẩu chuẩn bị đầu tư, khảo sát, lập thiết kế dự toán, thực hiện dự án, kết thúc đầu tư và việc vận hành đều có nhà chuyên môn thực hiện. Không thể nói đầu tư một công trình thủy điện có yếu tố không an toàn.

"Phải xác định mục tiêu rõ ràng việc xây dựng công trình thủy điện phải đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, rồi đến lợi ích của người dân, lợi ích nhà đầu tư", ông Diến nhấn mạnh.