Bộ Công thương: giá cơ sở với xăng dầu được tính trên mức thuế nhập khẩu ưu đãi
(Dân trí) - Chiều ngày 14/3, Bộ Công thương đã phát đi thông cáo giải thích về việc áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cụ thể, theo các thông tin phản ánh trên báo chí, hiện nay, do chênh lệch về mức thuế nhập khẩu ưu đãi trong các Hiệp định thương mại và Việt Nam đã ký với ASEAN và Hàn Quốc (thuế áp dụng với dầu nhập khẩu từ ASEAN là 5% trong năm 2015 và giảm về 0% năm 2016), thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam từ đầu năm 2016 về 5%, thuế xăng về 10%. Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN vẫn 20%. Cho nên, nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu có lãi lớn. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lãi tới 1.990 tỉ đồng trong năm 2015, riêng ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Giải thích về điều này, theo Người phát ngôn Bộ Công thương cho biết, theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
“Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN)”, Bộ Công thương cho biết.
Không đề cập đến vấn đề các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lãi lớn trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm nay, Bộ Công thương cho biết, Bộ này đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.
Thông báo trên của Bộ Công thương nhằm giải thích, việc điều hành xăng dầu đã dựa mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính giá cơ sở xăng dầu chứ không phải các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã tận dụng sơ hở của chính sách để thu lợi.
Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, chứng khoán các mức lãi rất cao của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như năm 2015 là rất bất thường, ví dụ như Petrolimex lãi gần 2000 tỉ đồng, trong khi năm 2014 Tập đoàn này còn bị lỗ 8 tỉ đồng là rất khó giải thích mà thông báo trên của Bộ Công thương vẫn không đủ sức thuyết phục.
Mạnh Quân