Bộ Tài chính bác thông tin giá xăng dầu tăng kịch trần vì "cõng" thêm thuế

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ không hề có nghiên cứu đề xuất nào về tăng thuế môi trường lên 4.000 đồng đối với mặt hành xăng từ ngày 1/4 tới.

Người dân đang hưởng giá xăng dưới 14.000 đồng/lít.
Người dân đang hưởng giá xăng dưới 14.000 đồng/lít.

Ngày 24/2/2016, có một số thông tin cho rằng, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong bối cảnh giá dầu giảm sâu gây khó khăn cho nguồn thu ngân sách. Theo đó, từ 1/4 tới, mặt hàng xăng sẽ chịu mức thuế kịch trần 4.000 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít và dầu mazut là 1.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính đã bác bỏ thông tin này và cho biết, Bộ này không hề có đề xuất nào như vậy. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho mặt hàng xăng vẫn là 3.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.500 đồng/lít và với dầu mazut là 900 đồng/kg.

Mức thuế này được áp dụng từ 1/5/2015 sau khi tăng mạnh 300% đưa mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít và dầu mazut từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg. Tại thời điểm đó, quyết định này cũng đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 Quốc hội thông qua với tổng thu ngân sách Nhà nước là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi 254 nghìn tỷ đồng (4,95%GDP).

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính - bà Vũ Thị Mai cho hay, để chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách Nhà nước do giá dầu thô giảm, giữ vững cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách theo từng mức giá dầu, trong đó có cả mức giá 30 và thậm chí dưới 30 USD/thùng, từ đó đưa ra những giải pháp xử lý cụ thể.

Do tỷ trọng thu trực tiếp và gián tiếp liên quan đến dầu thô không lớn (khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước); đồng thời, từ kinh nghiệm điều hành năm 2015 cho thấy việc giá xăng dầu giảm cũng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu. Vì vậy, số giảm thu do biến động giá dầu thô có thể bù đắp được từ số phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu.

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước với mục tiêu năm 2016 sẽ là năm kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Về lâu dài, ông Dũng yêu cầu các đơn vị tập trung vào nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, giảm tỷ lệ bội chi hơn nữa. Đặc biệt, tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong điều kiện giá dầu thô giảm và cắt giảm các dòng thuế theo yêu cầu hội nhập, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định; quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng thuế...

Bích Diệp

Bộ Tài chính bác thông tin giá xăng dầu tăng kịch trần vì "cõng" thêm thuế - 2