Bỏ bất động sản, chuyển sang xe điện, Evergrande có cứu được mình?

(Dân trí) - Chưa rõ liệu với gánh nợ hơn 305 tỷ USD, Evergrande có đủ chuyên môn lẫn vốn để cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện đang "nở rộ như nấm sau mưa" ở Trung Quốc hay không.

Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn cuối cùng cũng đã tiết lộ kế hoạch giải cứu Tập đoàn China Evergrande là chuyển từ trọng tâm từ bất động sản sang sản xuất xe điện.

Bỏ bất động sản, chuyển sang xe điện, Evergrande có cứu được mình? - 1

Evergrande chuyển trọng tâm từ bất động sản sang sản xuất xe điện để cứu mình (Ảnh: Getty). 

Mặc dù chưa bán được chiếc xe nào nhưng mục tiêu của ông Hứa là từ bỏ hoạt động kinh doanh chính của Evergrande và trở thành nhà sản xuất xe điện trong thập kỷ tới, theo tờ Securities Times.

Đề xuất này khiến cho giá cổ phiếu của hãng xe điện của Evergrande niêm yết tại Hồng Kông tăng hơn 17% trong phiên đầu tuần hôm qua (25/10) trước khi đóng cửa tăng ở mức 11,4%. Tuy nhiên giá trị thị trường của công ty hiện vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đỉnh 86,7 tỷ USD hồi giữa tháng 4 sau khi giảm 94% kể từ thời điểm đó.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn hoài nghi về kế hoạch cứu mình này của Evergrande. Vẫn chưa rõ liệu Evergrande với gánh nợ hơn 305 tỷ USD có đủ chuyên môn lẫn vốn để cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện ngày càng "nở rộ như nấm sau mưa" ở Trung Quốc hay không.

"Evergrande từng có chiến lược mua, mua và mua. Cách tiếp cận của họ rất đơn giản và không cầu kỳ. Không ai thực sự biết được họ đã làm chủ được bao nhiêu công nghệ", ông John Zeng, giám đốc dự báo Trung Quốc tại công ty tư vấn LMC Automotive cho biết.

Giá trị tài sản ròng của ông Hứa Gia Ấn hiện vẫn còn 11,6 tỷ USD, phần lớn dựa trên khoản cổ tức nhận được trong những năm qua. Ông từng là một công nhân nhà máy thép trước khi thành lập Evergrande vào năm 1997. Mặc dù ông không có kinh nghiệm gì về sản xuất xe điện khi lần đầu công bố tham vọng dấn thân vào lĩnh vực này vào năm 2019, nhưng kể từ đó ông đã kiếm được hơn 1 tỷ USD nhờ vào loạt thương vụ mua lại. Theo đó, ông đã giành quyền kiểm soát công ty xe điện Thụy Điển NEVS và mua phần lớn cổ phần của nhà sản xuất pin Shanghai CENAT New Energy.

Evergrande cho biết mẫu xe điện đầu tiên của họ là Hengchi sẽ xuất xưởng tại nhà máy Thiên Tân vào đầu năm tới. Tuy nhiên, cách đây hơn một tháng đơn vị sản xuất xe điện của Evergrande đã cảnh báo họ đang "thiếu vốn nghiêm trọng" và buộc phải tạm ngừng thanh toán một số chi phí hoạt động và một số nhà cung cấp đã ngừng cung cấp thiết bị cho các dự án.

Bản thân Evergrande tuần trước cũng cảnh báo rằng họ vẫn chưa có gì đảm bảo là sẽ đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính.

Ông Yale Zhang - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải - cho rằng ngay cả khi ông Hứa chuyển trọng tâm sang sản xuất xe điện thì ông sẽ bán chúng như thế nào. Đây là một câu hỏi khác nữa mà chưa có câu trả lời rõ ràng.

Bởi theo ông Zhang, việc xây dựng kênh bán hàng từ đầu tốn rất nhiều chi phí và Evergrande không hề sở hữu kênh bán hàng nào. "Thêm vào đó, các mẫu xe hiện tại của họ mới chỉ là ý tưởng. Vẫn còn một khoảng cách khá xa để đưa mẫu xe này vào sản xuất và bán hàng loạt", ông Zhang nói thêm.

Ông Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tư vấn và đầu tư United First Partners có trụ sở tại New York, nói rằng ông Hứa có thể chỉ đơn giản là đang cố gắng trấn an nhà đầu tư.

Theo Securities Times, cùng với tuyên bố chuyển trọng tâm kinh doanh, ông Hứa cũng đã cam kết sẽ hoàn thiện các dự án và bàn giao căn hộ cho người mua nhà. Ông cũng cho biết về nguyên tắc, Evergrande sẽ không mua thêm đất trong vòng 10 năm tới và sẽ giảm quy mô mảng kinh doanh bất động sản của mình.

Thông qua tài khoản WeChat của mình, Evergrande cho biết 40 dự án của tập đoàn ở Quảng Châu và Phật Sơn đang được triển khai suôn sẻ. Tuần trước, nhà phát triển bất động sản này cũng đã tránh được cú vỡ nợ trong gang tấc khi thanh toán 83,5 triệu USD lãi suất trái phiếu cho các trái chủ nước ngoài trước khi thời gian gia hạn 30 ngày kết thúc.

Tuy vậy, từ nay đến cuối năm, Evergrande vẫn phải đối mặt với nhiều khoản thanh toán lãi suất hơn nữa. Ngoài ra một khoản trái phiếu trị giá 3,5 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng 3 tới. Evergrande vẫn đang phải vật lộn để huy động tiền mặt thông qua việc bán tài sản và nhiều biện pháp khác.

"Tiền đâu?", ông Tang đặt câu hỏi và cho rằng Evergrande không còn nhiều thời gian và đề xuất tự cứu mình bằng cách chuyển sang xe điện vẫn còn nhiều hoài nghi.