Bình ổn thị trường vốn, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc "hiến kế" gì?
(Dân trí) - Để bình ổn và phát triển thị trường vốn, Bộ Tài chính kiến nghị siết doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong khi NHNN khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm tham gia thị trường.
Chiều 22/4, Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Báo cáo tổng quan tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần năm 2015. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP).
Không cho doanh nghiệp yếu kém phát hành trái phiếu
Trong năm 2021, chỉ số VN-Index có sự tăng trưởng tốt, thể hiện khả năng chống chịu với đại dịch và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Thanh khoản tăng 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm nay, với mức bình quân đạt 30.800 tỷ đồng/phiên.
Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn.
Bộ trưởng Phớc khẳng định chủ trương định hướng điều hành và phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh và hiệu quả. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý: khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty phát hành.
Các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành, thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án. Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững; nâng cao hiệu quả công tác giám sát; tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và hoạt động hợp tác quốc tế.
Khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm tham gia vào thị trường
Phân tích riêng về thị trường trái phiếu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).
Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).
Các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường; hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế.
Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cần phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh...) theo hướng tập trung hiện đại hóa công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường.
Chính phủ cần chỉ đạo thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường; rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là vốn trung dài hạn.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán.
Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động, đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh... để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán.