Bình Định huy động 150 tỷ đồng giúp nông dân tái đàn heo phục vụ Tết
(Dân trí) - Hiện giá heo hơi đang giảm nhẹ, trong khi giá heo giống vẫn cao “ngất ngưởng”, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tái đàn, khôi phục đàn heo của người nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Định.
UBND tỉnh Bình Định cho biết đã kiến nghị Bộ NN&PTNT có các biện pháp hạ nhiệt giá thịt heo và xây dựng chiến lược dài hạn phát triển chăn nuôi heo.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đàn heo nái sinh sản trên địa bàn tỉnh này giảm mạnh qua đợt dịch tả heo châu Phi năm 2019, nên lượng heo con sinh ra trong thời gian qua ít. Do đó, việc tái đàn, tăng đàn heo thịt thời gian qua rất chậm, có khả năng tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Tuy nhiên, Bình Định vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập trong công tác tái đàn heo như: giá heo giống rất cao, tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn tiếp tục tái bùng phát rải rác, bệnh chưa có vắc xin nên việc tái đàn gặp nhiều rủi ro, người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn…
Hiện, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quy định về hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, ổn định phát triển chăn nuôi, khôi phục đàn heo trên địa bàn với tổng nguồn vốn huy động là 150 tỷ đồng. Mức cho vay tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ gia đình (cơ sở chăn nuôi heo), thời hạn vay 1 năm, hỗ trợ 100% lãi suất…
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhanh các trang trại mới. Tỉnh Bình Định cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy mô trang trại. Bởi, hiện các doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ được hỗ trợ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn các hộ chăn nuôi quy mô trang trại chưa có chính sách hỗ trợ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện công tác tái đàn heo ở tỉnh này đang được ngành chức năng đẩy mạnh. Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt hơn 1 triệu con; trong đó có 130.000 con heo nái, 1.200 heo đực giống, 620.000 heo thịt và 248.000 heo con theo mẹ.
Tại Bình Định, địa phương thực hiện tái đàn mạnh nhất là huyện Hoài Ân, vốn được mệnh danh là “thủ phủ” heo của miền Trung với tổng đàn heo luôn ổn định ở mức trên 300.000 con. Thế nhưng, sau thời gian dài bị dịch tả heo Châu Phi hoành hành, đến cuối năm 2019 đàn heo ở huyện này chỉ còn 100.000 con.
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhờ Hoài Ân cơ bản khống chế được dịch bệnh, nên hiện đàn heo đã tăng trưởng được 210.000 con. Theo ngành Nông nghiệp huyện Hoài Ân nhận định, nếu với tốc độ này, chỉ từ nay đến cuối năm nay đàn heo của Hoài Ân sẽ tăng tốc vượt bậc để phục Tết Nguyên đán.
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, sở dĩ huyện Hoài Ân tái đàn heo mạnh trong bối cảnh heo giống đang rất đắt đỏ là nhờ người chăn nuôi ở đây chủ động được nguồn heo giống.
“Hầu hết các trang trại, gia trại, nông hộ nuôi heo ở đây đều có trong chuồng đàn nái sinh sản, heo nái đẻ ra bao nhiêu để lại nuôi hết bấy nhiêu. Trước đây, Hoài Ân chỉ có 17.000 con heo nái thì nay đã tăng đến 23.000 con, số lượng heo giống chúng đẻ ra dư sức cung ứng cho người chăn nuôi heo trên địa bàn tái đàn. Nếu không chủ động được nguồn heo giống thì người chăn nuôi sẽ rất dè dặt tái đàn, bởi giá heo giống cao gấp 3 lần giá heo hơi”, ông Vương nói.