Big C bất ngờ dừng nhập hàng may mặc, doanh nghiệp Việt cần làm gì?
(Dân trí) - Trước vụ việc Big C bất ngờ thông báo dừng nhập hàng may mặc Việt Nam, luật sư Nguyễn Minh Anh bình luận: Muốn biết họ làm sai hay đúng phải dựa vào xem xét hợp đồng thương mại các bên ký kết với nhau…
Ngày 2/7, trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Central Group Việt Nam cho biết: Kể từ tháng 7/2019, Central Group Việt Nam tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa hai bên.
Tập đoàn này giải thích việc tạm ngừng đặt hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan.
Trao đổi với Dân trí, Luật sư Nguyễn Minh Anh – Giám đốc Công ty Luật Trí Minh cho rằng, muốn biết Central Group làm đúng hay sai phải căn cứ vào hợp đồng hợp tác thương mại giữa họ với doanh nghiệp dệt may của Việt Nam.
“Còn theo luật thì không có cam kết hay ràng buộc nào buộc việc phải sử dụng hàng Việt Nam trên kệ siêu thị của họ hay buộc phải bán hàng Việt Nam. Vấn đề cốt lõi các doanh nghiệp bây giờ cần xem xét lại những cam kết đã ký với nhau trong hợp đồng”, luật sư Minh Anh bình luận.
Vị luật sư này cho biết, vì chưa được xem cụ thể bản hợp đồng giữa các bên nên rất khó để nhận định. Song giả thiết, trong hợp đồng không quy định rõ việc phải thông báo chấm dứt hợp đồng hoặc tạm thời ngưng cung cấp sản phẩm, dịch vụ trước bao lâu thì doanh nghiệp Việt sẽ nhận thua thiệt.
Để tránh bị “thua thiệt” như vậy, Luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng trước khi ký kết, doanh nghiệp cần tham khảo, nắm rõ các chi tiết trong hợp đồng để chủ động hơn trong việc ứng phó các khả năng xảy ra, phải bảo vệ quyền lợi của mình bằng chính những cam kết đưa ra trong hợp đồng.
Ví dụ có thể nhờ đội ngũ tư vấn, đàm phán để đưa ra điều kiện cần thông báo sẽ chấm dứt hay tạm ngừng cung cấp hàng hoá tối thiểu trước bao lâu để có thể tránh thiệt hại nhất cho phía doanh nghiệp.
“Nhưng lời khuyên trên cũng chỉ mang tính lý thuyết. Bởi có một thực tế, nhiều doanh nghiệp cung cấp nhỏ lẻ muốn chen chân vào hệ thống siêu thị lớn thường gặp nhiều khó khăn. Nên họ thường chấp nhận những điều kiện đưa ra trong hợp đồng do bên hệ thống siêu thị cung cấp. Mặc dù có thể chính điều này sau đó sẽ gây khó khăn cho họ”, vị luật sư chia sẻ.
Liên quan tới việc Big C thông báo ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam, chiều 3/7, một số người lao động và đại diện doanh nghiệp dệt may đã đến văn phòng làm việc của Central Group ở TP HCM để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Trao đổi với báo chí, đại diện một số công ty dệt may Việt Nam cho rằng hành động của Central Group đã đẩy hàng loạt nhà cung cấp vào khó khăn. Theo phản ánh, việc đột ngột ngưng hợp tác này gây ra nhiều thiệt hại về tài chính.
Một doanh nghiệp nói, để có hàng giao cho Big C, nhà cung cấp chuẩn bị hàng trước từ 3-6 tháng. Hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu rất nhiều nhưng Big C không nhập hàng nữa khiến họ rất bị động.
Theo tìm hiểu, Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan hoàn tất mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) vào tháng 4/2016, với giá trị thương vụ khoảng hơn một tỷ USD (23.300 tỷ đồng).
Việc Central Group mua lại Big C nằm trong kế hoạch chiến lược của tập đoàn này nhằm mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa trong khu vực ASEAN.
Trước thương vụ này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại khi cho rằng, hàng Thái sẽ theo Central Group tràn vào Việt Nam, o ép hàng Việt ngay tại sân nhà bằng hệ thống các siêu thị rộng lớn của Big C.
Về phần mình, để trấn an dư luận, Central Group cũng đã đi vào hợp tác chiến lược với nhà bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, với những cam kết, định hướng rõ ràng trong việc góp phần vào việc thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt.
Tuy vậy, việc Central Group bất ngờ dừng nhập các sản phẩm may mặc của các đối tác Việt Nam đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về những cam kết ba năm trước của tập đoàn này.
Nguyễn Mạnh