DMagazine

Biện pháp "kéo" người lao động trở lại TPHCM làm việc

(Dân trí) - Sớm tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho công nhân sản xuất - được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đồng thuận là chìa khóa để đưa người lao động trở lại nhà máy, an tâm làm việc, phục hồi sản xuất.

Biện pháp "kéo" người lao động trở lại TPHCM làm việc

Biện pháp sớm tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho công nhân sản xuất được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đồng thuận là "chìa khóa" để đưa người lao động trở lại nhà máy, an tâm làm việc, phục hồi sản xuất.

Ứng dụng công nghệ để di chuyển an toàn giữa nhà máy và nơi ở

Nhận xét về tình hình chung hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Chu Tiến Dũng, đánh giá trong 2 tuần siết chặt giãn cách, số lượng doanh nghiệp hoạt động không tăng, cũng không giảm vì "ai ở đâu ở yên đó". Doanh nghiệp nếu hoạt động chỉ cầm chừng, hiệu quả sụt giảm, còn trường hợp muốn tạm dừng để cho công nhân về nhà cũng không được. 

Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đều đang trông chờ vào kế hoạch cụ thể của thành phố sau ngày 15/9 để chuẩn bị phương án cho bản thân. 

Chủ tịch HUBA nhấn mạnh vấn đề chính hiện tại là các doanh nghiệp thiếu hụt lao động nên không thể sản xuất hoàn chỉnh. Ông Dũng hy vọng sau 15/9, khi độ bao phủ vắc xin tăng lên, các vùng xanh được củng cố, mở rộng, người lao động có thể quay lại làm, đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc bình thường. Các doanh nghiệp không thể chịu nổi chi phí nếu kéo dài việc tổ chức ăn ở tập trung cho công nhân. 

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cũng đề xuất phương án "2 tại chỗ - một vùng xanh" để các doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại. Cụ thể, công nhân sẽ ăn uống tại nhà máy, xí nghiệp nhưng ngủ ở nhà trọ, khách sạn trong vùng xanh. 

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM, cho rằng nên dùng một ứng dụng quản lý hành trình hoặc giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp có thể quản lý được công nhân. Khi đó, doanh nghiệp có thể giám sát hành trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, đảm bảo quy trình an toàn với cam kết của người lao động.

Biện pháp kéo người lao động trở lại TPHCM làm việc - 1

Công nhân tiêm đủ vắc xin, ứng dụng công nghệ quản lý di chuyển có thể giúp doanh nghiệp không phải tổ chức ăn ở tập trung (Ảnh: Hải Long).

Người lao động khỏe, doanh nghiệp mới khỏe

Cùng với đó, một vấn đề tiên quyết theo hiệp hội là sớm tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây sẽ là "chìa khóa" giúp khôi phục sản xuất. Càng nhiều lao động được tiêm đủ vắc xin, càng nhiều doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng đình trệ.

Theo ông Long, tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động là giải pháp căn cơ, lâu dài, bền vững và là điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Nếu có việc làm và được tiêm vắc xin, người lao động sẽ sớm quay lại làm việc, như vậy doanh nghiệp mới sớm khôi phục, sản xuất.

"Mỗi ngày công nhân nghỉ làm là một ngày khó khăn với cả doanh nghiệp và bản thân họ. Khi dịch vẫn còn phức tạp, vắc xin là giải pháp tối ưu nhất. Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sớm một ngày, doanh nghiệp sẽ bớt lo âu một ngày", ông Nguyễn Anh Toàn, chuyên gia kinh tế tại TPHCM đồng quan điểm. 

Ông Toàn nhấn mạnh chỉ khi được tiêm đủ vắc xin, tâm lý người lao động mới được giải tỏa. Khi đó, họ mới có thể làm việc hăng say trở lại, qua đó hiệu quả công việc sẽ tăng cao.

Theo ông Toàn, người lao động là linh hồn của công ty. Họ khỏe, doanh nghiệp mới khỏe. Khi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người lao động sẽ không dám đi làm. Dù họ có đi làm, tâm lý cũng không ổn định, ảnh hưởng đến năng suất lao động. 

Phó chủ tịch HUBA Phạm Ngọc Hưng cũng nhìn nhận việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin là cách duy nhất ổn định tâm lý người lao động. Đây là vấn đề sống còn với doanh nghiệp lúc này.

Biện pháp kéo người lao động trở lại TPHCM làm việc - 2

Nếu chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người lao động cũng khó an tâm nếu sản xuất trở lại (Ảnh: Hải Long).

Dù vậy, theo ông Hưng, một bài toán khác cần sớm đưa ra lời giải là nhiều lao động đã rời TPHCM về quê. Làm sao để đưa họ trở lại thành phố, trở lại làm việc là câu hỏi khó, nhất là khi nhiều người có thể đã tìm công việc, sinh kế mới. Tuyển dụng sẽ là vấn đề lớn với các doanh nghiệp khi lên phương án sản xuất trở lại.  

Ông Chu Tiến Dũng cũng dự báo một khi người lao động đã rời TPHCM về quê, họ sẽ ở lại một thời gian, phải đợi dịch bệnh ở thành phố hết hẳn mới tính chuyện quay lại. Do đó, các chính sách an sinh xã hội hiện nay không chỉ có vai trò giải quyết vấn đề cứu trợ cấp bách mà chính là biện pháp giúp lực lượng sản xuất trụ lại được ở TPHCM, sẵn sàng quay lại làm việc ngay sau dịch.

Chủ tịch HUBA nêu quan điểm, nếu nới lỏng giãn cách sau 15/9, doanh nghiệp cũng chỉ khởi động lại, sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục vì phụ thuộc sự ổn định của việc kiểm soát dịch bệnh. Sản xuất lúc nào cũng có độ trễ so với tiến độ chống dịch, có thể lên đến vài tháng. Ngoài ra, để tái sản xuất, doanh nghiệp còn cần các điều kiện lưu thông hàng hóa, nguyên liệu thông thoáng.

"Sức khỏe doanh nghiệp đã suy yếu nghiêm trọng, giờ đuối lắm rồi", ông Dũng nói. Do đó, ông cho rằng các chính sách cứu trợ doanh nghiệp của Chính phủ phải được thực thi nhanh hơn nữa. Trong đó, doanh nghiệp cần được giải quyết ngay vấn đề giãn nộp thuế, giãn nợ, khoanh nợ ngân hàng để vượt qua khó khăn về dòng tiền. Song song đó, những gói hỗ trợ người lao động cần phải được giải quyết ngay để duy trì lực lượng sản xuất.

Biện pháp kéo người lao động trở lại TPHCM làm việc - 3

Một bộ phận người lao động tìm cách rời TPHCM sau thời gian dài thất nghiệp, không có thu nhập (Ảnh: Nguyễn Quang).

TPHCM nỗ lực cùng tìm giải pháp với doanh nghiệp

Các hiệp hội doanh nghiệp cùng chuyên gia kinh tế đều đồng thuận việc cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể, lộ trình để doanh nghiệp có thể từng bước khôi phục sản xuất. Đơn cử như nếu doanh nghiệp nào có số lượng lớn công nhân tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có thể hoạt động bình thường trên nguyên tắc tuân thủ phòng dịch, các biện pháp 5K. Tiếp đó, người lao động từng mắc Covid-19 và đã khỏi cũng có thể sản xuất trở lại cùng nhóm đã tiêm vắc xin.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn, thừa nhận doanh nghiệp ở hầu hết lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu, đều bị tác động mạnh. Nhiều hợp đồng của doanh nghiệp với các đối tác không thể thực hiện đúng tiến độ do doanh nghiệp không đủ nguồn nhân lực để triển khai. 

Ông Tấn cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp giải bài toán nhân lực, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố rà soát nhu cầu theo từng lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp để kết nối với nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Biện pháp kéo người lao động trở lại TPHCM làm việc - 4

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn (Ảnh: Hữu Khoa).

Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội của TP Thủ Đức và các quận, huyện để kết nối thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm. Đồng thời, Sở cũng sẽ tăng cường thực hiện các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để người sử dụng lao động và người lao động trực tiếp phỏng vấn, trao đổi và thỏa thuận các điều kiện về làm việc với nhau.

"Để duy trì hoạt động sản xuất khi thiếu hụt lao động, doanh nghiệp cần cải cách quy trình sản xuất, hình thức hoạt động, có kế hoạch và chính sách sử dụng nhân lực cụ thể để chủ động trong việc tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh", ông Lê Minh Tấn nhận định.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm sẽ tăng cường thu thập, sàng lọc nguồn lao động thất nghiệp, chú trọng nhóm bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đây là nguồn lao động chất lượng, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nên có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. 

Sở cũng sẽ tiếp tục cập nhật nguồn lao động sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm của các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề trên địa bàn thành phố, nguồn lao động là bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thời gian tới.

Biện pháp kéo người lao động trở lại TPHCM làm việc - 5