Trưởng ban Kinh tế Trung ương:

Biên chế hưởng lương ngân sách giảm, cao hơn mục tiêu đề ra

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã giảm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra đến thời điểm năm 2021.

Chiều 15/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được một số kết quả quan trọng.

Cụ thể như số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã được tinh giảm, năng lực tự chủ ngày càng cao hơn; tăng dần số người làm việc gắn với hiệu quả cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…

Biên chế hưởng lương ngân sách giảm, cao hơn mục tiêu đề ra - 1

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: BTC).

"Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được thu gọn về đầu mối, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra đến thời điểm năm 2021", ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, hạn chế từ khâu thể chế hóa đến tổ chức triển khai thực hiện.

Cụ thể, ông chỉ ra một số cơ quan, đơn vị chưa thể hiện quyết tâm cao, có việc còn chung chung, chưa rõ thời gian, tiến độ, kết quả thực hiện; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

Tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, năm 2015, biên chế viên chức của UBND Thành phố được Bộ Nội vụ giao là 128.897 biên chế. Đến năm 2021, biên chế viên chức được giao là 116.007 biên chế, giảm 12.890 biên chế, tương đương tỷ lệ giảm 10%.

Ngoài ra, Thành phố đã thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị đối với 21.572 biên chế.

Sang giai đoạn 2022 - 2025, ông Dũng cho biết UBND Thành phố đã giao chỉ tiêu nâng mức tự chủ năm 2021 và giai đoạn 2022-2025 cho 362 đơn vị, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, tương đương 520 đơn vị.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, năm 2022 là năm đầu thực hiện chỉ tiêu giai đoạn 2022-2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội cho rằng bối cảnh thực hiện khó khăn hơn so với giai đoạn 2016-2021 như số đơn vị sự nghiệp có khả năng tự chủ đã chuyển hết sang tự chủ, đơn vị còn lại là những đơn vị thiết yếu hoặc đặc thù, tự chủ khó khăn; các đơn vị sự nghiệp yếu kém, quy mô manh mún, trùng chéo đều đã thực hiện sắp xếp tinh gọn…

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tính đến hết năm 2021, tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý là 619 đơn vị, giảm 63 đơn vị so với năm 2015, chiếm tỉ lệ 9,3.

Sang giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến số đơn vị sự nghiệp công lập sẽ giảm hơn 70 đơn vị, lũy kế giảm 20% đơn vị sự nghiệp công lập cho cả giai đoạn 2015 - 2025.

"Việc giải quyết xung đột giữa yêu cầu của công tác tinh giản và nhu cầu phục vụ nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, việc sắp xếp, tinh giản các trường trong bối cảnh số học sinh, số lớp ngày càng tăng dẫn đến nguy cơ vượt định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như Nha Trang, Ninh Hòa, Diên Khánh…", ông Tuấn nêu khó khăn.

Theo mục tiêu đạt ra tại Nghị quyết số 19, đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015…

Báo cáo cho thấy, đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm đầu mối, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập; biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Còn lại một số mục tiêu mặc dù các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện nhưng đến nay chưa hoàn thành. Trong đó, việc chưa hoàn thành mục tiêu về thể chế hóa các chủ trương của đảng có tác động trực tiếp việc hoàn thành các chỉ tiêu khác.