1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quốc hội đề nghị làm rõ tình hình nợ xấu, “hụt” thu ngân sách

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ, báo cáo cụ thể hơn về tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; tình hình hụt thu và việc giảm chi, tác động đến nợ công…

Sáng nay (20/10), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đã có báo cáo thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020  và 5 năm 2016  - 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; định hướng giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) cơ bản nhất trí với kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng lớn, nghiêm trọng hơn dự đoán đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thế giới.

Năm 2020 dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương (ước đạt trên 2%) là một điểm sáng trong khu vực và thế giới. Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo đánh giá sơ bộ 5 năm có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao (bình quân 6,8%/năm).

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kết quả đạt được và hạn chế của năm 2020 và 5 năm 2016-2020, UBKT đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề quan trọng.

Quốc hội đề nghị làm rõ tình hình nợ xấu, “hụt” thu ngân sách - 1
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Về tăng trưởng kinh tế, Chủ nhiệm UBKT cho rằng ứng dụng của khoa học, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, tuy nhiên đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư và nguồn lực tài chính cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến cần được phân tích rõ hơn; đánh giá thêm  hiệu quả của liên kết vùng trong phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế, các đô thị lớn chưa trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Báo cáo thẩm tra của UBKT cũng nêu rõ thương mại trong nước được cải thiện, tuy nhiên cơ cấu sở hữu trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về việc ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại; công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ; công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử.

Về vốn đầu tư, cơ cấu huy động vốn đầu tư chuyển dịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục phát triển nhanh. Những hạn chế, tồn tại trong giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn từng bước được tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn tình trạng giao vốn và giải ngân chậm; một số công trình, dự án quan trọng quốc gia triển khai chậm và còn vướng mắc.

Đáng chú ý, trong báo cáo thẩm tra của UBKT của Quốc hội đề cập tới vấn đề thu - chi ngân sách Nhà nước, trong đó vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là từ vốn và đất đai; cơ cấu ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trong tổng mức bố trí nguồn chi đầu tư phát triển chỉ đạt 40/60, không đạt theo Nghị quyết của Quốc hội.

“Thu từ 3 khối doanh nghiệp không đạt dự toán. Tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn hạn chế” - Chủ nhiệm UBKT cho biết và đề nghị năm 2020 Chính phủ cần đánh giá rõ thêm về khả năng thu, tình hình hụt thu và việc giảm chi theo quy định và mức bội chi hợp lý; những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô.

Về lĩnh vực ngân hàng, kết quả thẩm tra cho thấy việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn gặp khó khăn, vướng mắc. Cần báo cáo rõ hơn về tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ tài chính.

“Năm 2020, đề nghị báo cáo cụ thể hơn về tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; tình trạng một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi” - ông Vũ Hồng Thanh nói.  

Đối với phát triển cơ sở hạ tầng, UBKT của Quốc hội cho rằng, tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại; triển khai nhiều dự án còn chậm; chưa hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc; đường sắt, đường thủy chưa được quan tâm đúng mức. Hạ tầng đô thị lớn quá tải; hạ tầng nông thôn ở các tỉnh miền núi và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư còn hạn chế.

Về hoạt động doanh nghiệp, năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, lao động thất nghiệp tăng, quan hệ lao động có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới, cần được quan tâm, xử lý kịp thời. Trong khi đó, các chính sách phát triển thị trường lao động còn thiếu đồng bộ; kết nối cung - cầu, điều tiết thị trường lao động còn hạn chế.

Trước đó, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển kinh tế số; phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm