BIDV suy giảm lợi nhuận trong quý III, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh

Anh Ngọc

(Dân trí) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng với nhiều chỉ tiêu đáng chú ý.

Lợi nhuận quý III suy giảm, 9 tháng vẫn lãi "khủng" bất chấp Covid-19

Quý III, BIDV lãi trước thuế hơn 2.673 tỷ đồng, giảm so với con số 2.703 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng cũng suy giảm, còn 2.122 tỷ đồng, trong khi quý III/2020 là 2.174 tỷ đồng. 

Mảng tín dụng mang về cho BIDV hơn 12.204 tỷ đồng trong quý III, tăng 33,4%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 16,5%. Tuy nhiên, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư chỉ đạt 151,4 tỷ đồng, giảm gần 55,5%. Về mua bán chứng khoán kinh doanh, quý III, ngân hàng lỗ 2,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lãi 58,2 tỷ đồng). 

Dù thế, theo thuyết minh, chi phí hoạt động của ngân hàng trong quý III tăng 29% lên gần 5.071 tỷ đồng (quý III/2020 là 3.931 tỷ đồng). Đây được cho là một trong những lý do khiến cho lợi nhuận quý III năm nay của BIDV suy giảm so với cùng kỳ 2020. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh hơn 30% cũng tác động đến lợi nhuận. 

Dù vậy, lũy kế 9 tháng, BIDV vẫn báo lãi trước thuế 10.733 tỷ đồng, tăng gần 52%, còn lãi sau thuế 8.583 tỷ đồng, tăng mạnh 51,5% so với mức gần 5.667 tỷ đồng 9 tháng năm 2020. Vẫn lãi "khủng" sau 9 tháng, phía BIDV lý giải do ngân hàng đẩy mạnh cơ cấu nền vốn, tiết kiệm chi phí huy động vốn, gia tăng nguồn thu dịch vụ, thu từ ngân hàng số, nợ ngoại bảng.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, bất chấp đại dịch Covid-19, ngân hàng vẫn hoàn thành 82,6% kế hoạch. 

BIDV suy giảm lợi nhuận trong quý III, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh - 1

Kết quả kinh doanh của BIDV suy giảm trong quý III nhưng tính 9 tháng vẫn tăng mạnh (Ảnh minh họa: VNB).

Nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng 

Về nợ xấu, đến 30/9, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng khá mạnh dù tổng nợ xấu gần như không thay đổi so với đầu năm. 

Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 2.382 tỷ đồng lên gần 4.404 tỷ đồng (tăng gần 84,9%). Nợ nghi ngờ mất vốn tăng từ 2.462 tỷ đồng lên 3.148 tỷ đồng (tăng 27,8%). Riêng nợ có khả năng mất vốn giảm từ 16.525 tỷ đồng về hơn 13.880 tỷ đồng (giảm 16%). Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm về 1,61% (đầu năm là 1,76%). 

Chứng chỉ tiền gửi dưới 12 tháng tăng gần 19 lần  

Phát hành giấy tờ có giá của BIDV vọt tăng mạnh sau 9 tháng, từ 63.236 tỷ đồng lên xấp xỉ 114.975 tỷ đồng (tăng 81,8%). 

Trong đó, nhiều nhất là chứng chỉ tiền gửi với số dư tăng từ gần 23.175 tỷ đồng tại 31/12/2020 lên hơn 66.936 tỷ đồng đến 30/9 (tăng gần 189%). BIDV chủ yếu phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, với loại dưới 12 tháng tăng "khủng" gần 19 lần từ hơn 1.841 tỷ đồng lên gần 34.566 tỷ đồng. Loại từ 12 tháng đến dưới 5 năm có mức tăng khiêm tốn hơn, song quy ra số tuyệt đối vẫn là tăng hơn 11.000 tỷ đồng (54,2%). 

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính thì chi phí trả lãi phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng lại giảm từ hơn 4.134 tỷ đồng về gần 3.563 tỷ đồng, sau 9 tháng. 

Lỗ hơn 341 tỷ đồng với chứng khoán đầu tư 

Mảng chứng khoán đầu tư của BIDV cũng không mấy khởi sắc. Kỳ trước, ngân hàng có gần 1.388 tỷ đồng thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư thì đến kỳ này, phần thu nhập này chỉ đạt hơn… 1,3 tỷ đồng. Sau 9 tháng, BIDV vẫn lỗ hơn 341,6 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi đó 9 tháng năm 2020, ngân hàng vẫn lãi hơn 1.008 tỷ đồng.