Doanh nghiệp chật vật, ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ đều như vắt tranh
(Dân trí) - Dù lợi nhuận quý III đã giảm tốc so với hai quý đầu năm do những ảnh hưởng của đại dịch, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn vượt trội so với mặt bằng chung doanh nghiệp niêm yết.
Lợi nhuận tăng mạnh
Còn một tuần trước thời điểm hạn chót 30/10 để các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng bức tranh lợi nhuận đã dần lộ diện với sự phân hóa rõ nét. Trong đó, bất chấp nhiều doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ, hàng loạt ngân hàng vẫn tiếp tục công bố những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Trong các ngân hàng đã công khai số liệu tài chính quý III, Techcombank là nhà băng có lãi lớn nhất với lợi nhuận trước thuế 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với quý III/2020. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng do tỷ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT báo lãi 17.098 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 19.800 tỷ đồng, con số lịch sử của ngân hàng. Như vậy, sau 3/4 thời gian, ngân hàng này đã hoàn thành 86% kế hoạch lợi nhuận. Trong buổi chia sẻ với cổ đông tổ chức ngày 22/10, ông Ngô Hoàng Hà, Phó giám đốc Khối Tài chính Kế hoạch của Techcombank, tự tin cho rằng ngân hàng hoàn toàn có thể vượt kế hoạch đã đề ra tại đại hội thường niên năm nay.
Ở nhóm tầm trung về quy mô tổng tài sản, các ngân hàng cũng lần lượt công bố mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao.
Lợi nhuận trước thuế quý III của TPBank đạt 1.387 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này sau 9 tháng đạt 4.394 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và cao hơn mức lãi của cả năm ngoái.
OCB báo lãi trước thuế 1.107 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng tới 71% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này đạt lợi nhuận 3.768 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 50%. Tuy nhiên, đối chiếu với kế hoạch năm, nhà băng này mới hoàn thành chưa đến 70% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 quý.
Đặc biệt, SeABank công bố lợi nhuận trước thuế quý III tăng trưởng 3 chữ số - 110% - so với cùng kỳ, đạt 974 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận của SeABank đạt 2.530 tỷ đồng, tăng trưởng tới 123% so với 9 tháng năm 2020.
Nhiều ngân hàng thuộc nhóm cuối về quy mô tổng tài sản cũng ghi nhận mức tăng lợi nhuận mạnh. Đơn cử như ABBank báo lãi quý III 408 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận 9 tháng của nhà băng này đạt 1.556 tỷ đồng, tăng tới 68%. Hay lợi nhuận quý III của PGBank gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước, đạt 97 tỷ đồng. Sau 9 tháng, ngân hàng nhỏ này báo lãi 272 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Lợi nhuận chững lại nhưng vẫn vượt trội các ngành khác
Dù tiếp tục công bố các con số tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ, nhiều ngân hàng thực tế đã chứng kiến lợi nhuận quý III chững lại nếu so với hai quý liền trước.
Theo các công ty chứng khoán, đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng chậm lại khi nhu cầu tín dụng suy giảm mạnh trong thời gian đại dịch ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế - xã hội trong quý III.
Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,47%. Trong quý III, giải ngân cho vay rất thấp khiến đến cuối tháng 9, chỉ số này chỉ nhích nhẹ lên 7,17%.
Song song đó, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) chỉ ra biên lãi thuần (NIM) của ngành ngân hàng cũng sẽ giảm nhẹ khi các nhà băng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp các nhà băng tiếp tục hưởng lợi nhờ chi phí huy động vốn thấp. Trong bối cảnh hiện tại, thanh khoản vẫn rất dồi dào, các ngân hàng theo đó cũng không có nhiều sự cạnh tranh gay gắt để huy động tiền gửi.
Dù việc trích dự phòng ở nhiều ngân hàng dự báo sẽ tăng khi doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền trả nợ do đóng cửa nhiều tháng liền trong giai đoạn giãn cách, VNDirect đánh giá Thông tư 14 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp các ngân hàng giảm áp lực về nợ xấu, trích lập dự phòng trong ngắn hạn.
Đặc biệt, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB đã có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) rất cao từ 200% trở lên ngay từ trước khi đợt dịch Covid-19 lần 4 bùng phát. Theo YSVN, việc tăng trích lập dự phòng sẽ tác động nhiều hơn đối với nhóm ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp.
Tuy thấp hơn so với kỳ vọng vào đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng được nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán BSC dự báo vẫn rất cao so với năm 2020, và vượt mức chung của toàn thị trường.