Bibo Mart ghi dấu ấn tăng trưởng vượt trội trên các sàn thương mại điện tử quý III
(Dân trí) - Theo các báo cáo thị trường thương mại điện tử quý III, Bibo Mart ghi dấu ấn top đầu trong nhiều bảng vinh danh các nhà bán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên các sàn.
Bứt phá ngoạn mục
Trên sàn Shopee, nền tảng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thị trường hiện nay, Bibo Mart có cú bứt phá ngoạn mục khi dẫn đầu bảng xếp hạng tăng trưởng doanh số ngành Mẹ và Bé trong quý III.
Theo đại diện Bibo Mart, so với tháng 1, doanh số của hãng trên Shopee đã tăng xấp xỉ 12 lần.
Không chỉ có kết quả ấn tượng trên Shopee, Bibo Mart cũng được vinh danh trong Top 3 nhà bán hàng ngành Bách hóa và Mẹ bé trên sàn Lazada. Đây là một thành tích đáng nể khi Bibo mới lên sàn Lazada chưa đầy 2 tháng.
Còn trên TikTok, số liệu thống kê cho thấy doanh số của Bibo tăng vượt trội trong 3 tháng quý III.
Tại thời điểm tuyên bố dừng mở cửa hàng vào năm 2018, Bibo là một trong những thương hiệu được xếp hạng uy tín hàng đầu tại Việt Nam (do VR xếp hạng năm 2017). Vài năm trở lại đây, trên các phương tiện truyền thông, Bibo chỉ chia sẻ xoay quanh các dự án công nghệ đầy tham vọng với các đối tác từ Taobao, Amazon, Walmart.
Sự trở lại ấn tượng trên các bảng xếp hạng thương mại điện tử của Bibo lần này không khỏi khiến nhiều người bất ngờ. Các kết quả tăng trưởng đột phá gần đây đã đánh dấu cho sự "đã sẵn sàng" sau 6 năm xây dựng nền tảng công nghệ của thương hiệu.
Tạo dựng vị thế của nền tảng bán lẻ đa kênh
Bà Trịnh Thị Mai - Giám đốc vận hành Bibo Mart - cho biết: "Sau 6 năm dày công xây dựng nền tảng công nghệ, giờ đây chúng tôi có thể kết nối xuyên suốt và vận hành tự động với tất cả nền tảng thương mại điện tử. Công nghệ cho phép chúng tôi mở rộng nhanh chóng và vận hành xuất sắc. Mô hình kinh doanh hiện nay của Bibo là nền tảng bán lẻ đa kênh. Khách hàng có thể mua hàng trực tiếp từ các nhà máy hợp tác với Bibo trên các kênh như Shopee, Tiktok, Lazada, Zalo, App, Web… một cách thuận tiện".
"Chúng tôi đã kết nối tự động với hơn 400 nhà máy và hàng triệu khách hàng trên một nền tảng. Lấy công nghệ làm nền móng, chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển bền vững, mong muốn kết nối, giúp đỡ và chia sẻ giá trị với nhiều người. Xây nền tảng là việc không dễ dàng, nhưng xây dựng nền tảng công nghệ thành công sẽ giúp chúng tôi đi nhanh và bền vững hơn", bà Mai chia sẻ thêm.
Chia sẻ về những kế hoạch của Bibo sau bước tăng trưởng đột phá này, đại diện của Bibo chia sẻ đầy tham vọng: "Chắc chắn là kinh doanh đa kênh, vẫn dựa vào công nghệ và nỗ lực mang nhiều giá trị hơn nữa cho khách hàng và đối tác. Nhưng có thể sẽ không chỉ trong phạm vi ngành hàng mẹ bé và không chỉ ở phạm vi thị trường Việt Nam…".
Công ty bán lẻ hay công ty công nghệ?
Bibo cho biết hiện hợp tác cùng đội ngũ tư vấn và triển khai từ Amazon, Taobao, Silicon Valley… và đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ bài bản suốt 6 năm qua. Công ty hiện sở hữu hệ thống công nghệ gồm hàng nghìn micro services (nhiều loại phần mềm), hàng trăm cụm phần mềm nghiệp vụ, phát triển in-house (tự thực hiện) toàn bộ hệ thống ERP, CDP, các ứng dụng lớn nhỏ…
"Bibo đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện với tầm nhìn mới, mô hình kinh doanh mới, giá trị cốt lõi mới… Mọi cơ hội và vấn đề, chúng tôi đều giải quyết bằng công nghệ", bà Lê Việt Linh - Giám đốc giải pháp công nghệ Bibo - cho hay.
Sự bứt phá của Bibo trên các bảng xếp hạng của ngành thương mại điện tử quý III là "trái ngọt" của sự đầu tư của công ty thời gian qua và tạo nên những bước khởi đầu cho hành trình tiên phong mô hình bán lẻ kiểu mới mà doanh nghiệp này đang đi.