Bí thư Đồng Tháp chỉ cách để phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long

Hải Hành Công Quang

(Dân trí) - "Muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không chỉ phục vụ trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển, thế giới phẳng như hiện nay".

Đó là gợi ý của ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2020 vừa diễn ra ngày 21/12.

Diễn đàn kinh tế Mekong Connect là mô hình liên kết tự nguyện giữa 4 tỉnh An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp (gọi tắt là ABCD Mekong). Đây là lần thứ năm Diễn đàn kinh tế Mekong Connect được tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Phong cho biết, nền kinh tế nước ta đang mở và mở rất nhanh. Đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam và cũng có nhiều doanh nghiệp Việt bị thôn tính.

Bí thư Đồng Tháp chỉ cách để phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - 1
Bí thư Đồng Tháp: Liên kết - đòn bẩy cho phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều sản phẩm Việt xuất khẩu đi khắp năm châu, cũng không ít sản phẩm ngoại xuất hiện ở mọi ngõ ngách, mọi vùng quê. Nguy cơ doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt thua trên sân nhà là kịch bản hiện hữu và đã xảy ra ở một số lĩnh vực, sản phẩm.

Nhắc đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Quốc Phong cho biết, tuy mối liên kết của ABCD Mekong còn khá non trẻ nhưng cũng đã có được những bước đi đầu tiên và ông tin - "có đi rồi sẽ đến".

Bí thư vùng đất Sen Hồng cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để tồn tại thì "liên kết" vừa là xu thế tất yếu nhưng cũng là đòn bẫy cho phát triển.

"Việc chúng ta ngồi đây ngày hôm nay, kiên trì duy trì Mekong connect, chứng minh cho sự khát khao thay đổi để phát triển, cùng tiến tới những mối liên kết bền chặt, hiệu quả trong tương lai", ông Phong nhấn mạnh.

Bí thư Đồng Tháp chỉ cách để phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - 2
Diễn đàn kinh tế Mekong Connect là mô hình liên kết tự nguyện giữa 4 tỉnh An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp (gọi tắt là ABCD Mekong)

Ông Phong dẫn lại báo cáo kinh tế thường niên về Đồng bằng sông Cửu Long của VCCI và Đại học Fullbright nhận định, khu vực này đang đứng trước những thách thức từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở...

Các vấn đề bên trong mà vùng đất "chín rồng" cũng đang đối mặt như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, nguồn lực phát triển kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tài nguyên bản địa, không nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường…

Bí thư Đồng Tháp chỉ cách để phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - 3
Nhiều sản phẩm Việt xuất khẩu đi khắp năm châu, cũng không ít sản phẩm ngoại xuất hiện ở mọi ngõ ngách, mọi vùng quê

Xuất phát từ thực tiễn trên, ông Phong đề nghị cần phải có kế hoạch, lộ trình đưa sản phẩm, dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu" với mục tiêu tìm ra giải pháp để hàng Việt Nam không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục được thị trường Quốc tế.

"Đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt là các tỉnh ABCD muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay", ông Phong nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm