1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tầm nhìn 2050, "vựa lúa" Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có đường sắt?

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giai đoạn 2021-2030 sẽ ưu tiên xây dựng các tuyến cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long và tầm nhìn 2050 có tính đến xây dựng đường sắt chuyên chở hàng hóa lớn.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Đức Phương tại họp báo thông tin về hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, dự kiến diễn ra cuối tháng 11/2020 tại Cần Thơ.

Tầm nhìn 2050, vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có đường sắt? - 1

Ngoài hệ thông giao thông thủy, ĐBSCL sẽ được ưu tiên phát triển giao thông đường bộ cao tốc, tầm nhìn dài hạn có tính đến xây dựng tuyến đường sắt chuyên chở hàng hóa lớn

Theo ông Phương, một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp "vựa lúa", "vựa hoa trái" của cả nước là xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất và kết nối giữa khu vực này với cả nước và trong quy hoạch phát triển của ASEAN.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, trong giai đoạn 2021 đến 2030, khu vực ĐBSCL sẽ ưu tiên đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường bộ, hoàn thiện đường cao tốc từ TP.HCM đi Cà Mau, các trục Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Màu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Rạch Giá - Mỹ An cũng được thực hiện để kết nối toàn tuyến và cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực này.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế về sông nước, kênh rạch, ĐBSCL vẫn duy trì quy hoạch phát triển hệ thống giao thông thủy, tuy nhiên giao thông thủy sẽ gặp vướng mắc về luồng lạch, hệ thống thủy lợi, ngăn mặn... vì vậy khó khăn cho vận tải hàng hóa lớn, đặc biệt là vận tải container.

Ngoài ra, phương án quy hoạch và vận hành giao thông thủy cũng tính tới kịch bản các dòng sông của ĐBSCL ít nước do các công trình thủy điện thượng nguồn. Tính đến sinh kế của hàng triệu người nông dân.

Về kế hoạch xây dựng đường sắt, ông Phương cho rằng đây là kế hoạch dài hạn, tầm nhìn 2050 và còn đang cân nhắc. Đường sắt sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn, giúp thuận tiện lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách với số lượng lớn, rút ngắn thời gian đi lại...

Tuy nhiên, xây dựng đường sắt đòi hỏi chi phí lớn, địa hình địa chất tại ĐBSCL rất phức tạp sông ngòi chằng chịt, cần hệ thống cầu bắc qua sông lớn để đảm bảo các phương vận tải khác đều có thể cùng khai thác chung. Do đó, lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết trong việc xây dựng quy hoạch đang cân nhắc chi phí xây dựng so với hiệu quả và lợi ích mà đường sắt mang lại.

Về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trả lời báo chí về quy hoạch vùng lúa, chống hạn mặn cho cây trái, hoa màu và lúa tại ĐBSCL, ông Phương cho rằng: Chuyển đổi cây trồng, giữ sinh kế của người dân là ưu tiên hàng đầu.

"Quy hoạch ĐBSCL lần này nhấn mạnh đến việc tạo việc làm, giữ sinh kế của người dân để người dân không phải di cư tự nhiên đến các khu vực khác để làm ăn, sinh sống. Muốn vậy, phải tạo sinh kế, tạo việc làm, biến ĐBSCL trở thành cực tăng trưởng thực sự", ông Phương nói.

Trước thách thức về canh tác thuận thiên, chưa chuyên sâu hóa và đại đa số người nông dân ĐBSCL vẫn còn nghèo, thiếu tiếp cận khoa học công nghệ và ứng dụng trong sản xuất, ông Phương cho rằng: Tốc độ tăng trưởng của Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng chậm lại, nguyên nhân do cơ cấu kinh tế dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó dịch vụ và công nghiệp lại chưa thực sự phát triển.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang hứng chịu nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu. Nơi đây được đánh giá là vùng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, vùng cũng gặp thách về dân số, khi thực trạng di cư từ khu vực này sang các khu vực khác, đặc biệt là sang vùng Đông Nam Bộ ngày càng tăng.

Theo Bộ KH&ĐT, thách thức lớn trước mắt trong nông nghiệp ĐBSCL là hạn mặn, thiếu lũ, làm đảo lộn thói quen làm nông nghiệp lâu nay ở đồng bằng trù phú của Việt Nam. Biến đổi khí hậu đang tác động đến việc làm, đời sống và kế sinh nhai của hàng triệu nông dân. Chính vì vậy, các giải pháp ứng phó với xâm ngập mặn, thiếu lũ được đặc biệt quan tâm, trong đó có xây dựng các công trình thủy lợi, chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi canh tác của người dân...