Bí thư Bạc Liêu: PCI "đội sổ" không những buồn mà còn... mắc cỡ

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trước báo cáo các chỉ số PCI và PAPI của tỉnh trong năm 2020 giảm, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nói việc này không chỉ buồn mà còn thấy... mắc cỡ.

Tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Năm 2020, chỉ số PCI xếp hạng 63/63, giảm 12 bậc so với năm 2019; còn chỉ số PAPI xếp hạng 54/63, thuộc nhóm thấp nhất, giảm 19 bậc so với năm 2019.

Nhiều sở, ngành, địa phương còn thiếu trách nhiệm

Mục tiêu PCI của tỉnh Bạc Liêu đặt ra là vào top 20 cả nước, tuy nhiên lại đứng chót bảng. Chỉ ra nguyên nhân, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam cho rằng các sở, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm, chưa quyết liệt, có biểu hiện buông lơi trong việc chỉ đạo nâng cao chỉ số này.

"Sau khi có kết quả chỉ số PCI ngày 15/4 thì ngày 18/4 Tỉnh ủy có chỉ đạo cấp ủy, sở, ngành, chính quyền... tăng cường chỉ đạo nâng cao chỉ số. Khi tôi hỏi tham khảo thử 2 bí thư huyện có chỉ đạo gì không thì 2 đồng chí đó vẫn giữ văn bản cất dành riêng cho mình chứ chưa chỉ đạo gì hết.

Tại một kỳ họp HĐND tỉnh, khi tôi truy vấn đến 2 lãnh đạo sở, ngành về chỉ số PCI thì 2 lãnh đạo sở cứ đỗ lỗi sở này cho sở kia không biết trách nhiệm thuộc về ai", bà Nam nói thẳng trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương.

Bí thư Bạc Liêu: PCI đội sổ không những buồn mà còn... mắc cỡ - 1

Chỉ số PCI năm 2020 đứng chót cả nước, Bạc Liêu vừa họp nhiều sở, ngành, địa phương để đưa ra nhiều giải pháp cải thiện, với mục tiêu vào top 20.

Trước báo cáo các chỉ số PCI và PAPI của tỉnh trong năm 2020 toàn giảm, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nói việc này không chỉ buồn mà còn thấy... mắc cỡ.

Theo ông Hùng, qua phản ánh việc liên hệ của doanh nghiệp với sở, ngành lãnh đạo đều tốt nhưng xuống cấp phòng, ban thì không tốt. "Doanh nghiệp, người dân đến làm việc không có cái này thì cái kia, vậy sao mà tiến bộ được, các chỉ số sao cao được", ông Hùng trăn trở.

Bí thư Bạc Liêu chỉ rõ, qua khảo sát thấy có những việc rất chậm, nhất là thủ tục đầu tư kinh doanh, đất đai. Có những trường hợp chậm đến 90 ngày, có cái 2 năm chưa xong. Còn có dư luận đi làm thủ tục đất đai phải nhờ "cò" làm thì nhanh, dân đi làm trực tiếp thì chậm.

Công tác cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương chưa thường xuyên, một số cán bộ, công chức, viên chức còn nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, nói chưa đi đôi với làm, nói nhiều làm ít...

"Đối với cán bộ, công, viên chức tiêu cực, vòi vĩnh đã xử lý được bao nhiêu. Tôi nói đơn vị chuyên môn làm nhiệm vụ đi kiểm tra, giám sát coi có việc đó hay không, phải "giả dạng thường dân Nam bộ" đi mới hiệu quả, chứ thành lập đoàn mà đi rùm rụp thì thôi...", ông Hùng đặt vấn đề.

Bí thư Bạc Liêu: PCI đội sổ không những buồn mà còn... mắc cỡ - 2

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chỉ số PCI và PAPI.

Việc gì dễ để doanh nghiệp, việc gì khó để Nhà nước!

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, PCI có 7 chỉ số thành phần thấp điểm, trong đó có thành phần chi phí không chính thức, đây là một vấn đề hết sức nan giải mà doanh nghiệp và người dân phản ánh nhiều.

"Doanh nghiệp và người dân khi đến làm việc cơ quan Nhà nước phải có chi phí thì mới làm nhanh được. Đây là tham nhũng vặt, không chỉ đạo quyết liệt thì khó thay đổi, phải trong sạch vấn đề này", ông Thiều chỉ rõ.

Do đó, Chủ tịch Bạc Liêu yêu cầu lãnh đạo sở, ngành, địa phương trong thủ tục hành chính cái nào giảm bớt được thì giảm, làm nhanh gọn, giấy hẹn đúng ngày thì phải trả lời chứ không phải đến thì hẹn tới hẹn lui.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu lấy người dân làm trung tâm, động lực cho phát triển. "Người dân bầu ra chúng ta, người dân được quyền kiểm tra, giám sát nhiều hơn và được tôn trọng, chúng ta phải phục vụ hết mình nhân dân", ông Thiều nhấn mạnh.

Để cải thiện các chỉ số trong thời gian tới, Bí thư Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề nghị các sở, ngành sớm bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới sáng tạo, công khai minh bạch thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện tốt phương châm trong thẩm quyền giải quyết "việc gì dễ để doanh nghiệp, việc gì khó để cơ quan Nhà nước".

"Cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, lấy việc hoàn thành các chỉ số PCI, PAPI là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành chức trách nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương và từng cá nhân cuối năm", ông Hùng chỉ đạo rõ.

Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, cho biết toàn tỉnh có khoảng 2.600 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Một năm 2 lần tỉnh chỉ mời gặp mặt khoảng 10% doanh nghiệp, còn lại 90% không được mời nên bị bít thông tin, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó họ cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi.

Do đó, ông Tôn cho rằng cần tiếp tục duy trì mô hình "Cà phê doanh nghiệp" ở tỉnh và nhận rộng xuống các huyện. Nơi đây để các doanh nghiệp gặp gỡ, có cơ hội tiếp cận, ngoài tháo gỡ khó khăn thì họ còn có thể hiến kế để địa phương phát triển.

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách nhưng nguồn lực lại hạn chế nên hỗ trợ chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến chưa phát huy tính hiệu quả.

Như tỉnh có Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng có quá nhiều quy định nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. "UBND tỉnh hứa thành lập Quỹ khởi nghiệp ghi vốn 50 tỷ đồng từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động gì", ông Tôn nêu trở ngại nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. 

Nêu một khía cạnh chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu, theo ông Lê Chí Tôn, doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo sở, ngành thì năng động nhưng xuống cấp phòng, ban lại gặp khó khăn, một số nơi còn gây phiền hà, dẫn đến doanh nghiệp đánh giá thấp.