Chỉ số PCI 2018: Quảng Ninh hai năm liền đứng đầu, Hà Tĩnh thăng tiến vượt bậc

(Dân trí) - Trong hai năm liên tục 2017-2018,  Quảng Ninh đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong khi đó, Hà Tĩnh có tốc độ thăng tiến vượt bậc, từ vị trí 45 "vọt" lên vị trí 23.

Báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố sáng nay, 28/3.

Cũng như năm 2017, năm 2018, Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu ấn là tỉnh đứng đầu cả nước về PCI.

106d4094929t9570l3-pci2019-4493-1553739.jpg

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 của 63 tỉnh, thành. Nguồn: VCCI.

Các địa phương tiếp theo lần lượt là Đồng Tháp, Long An.

Đáng chú ý, Đà Nẵng, một TP đầy năng động trong thu hút đầu tư trong những năm qua đã có bước thụt lùi về chỉ số PCI, từ vị trí thứ 2 rơi xuống thứ 5.

Trong số những tỉnh có đốc độ thăng tiến nhanh về chỉ số PCI những năm gần đây phải kể đến Hà Tĩnh.

Theo tính toán, tính từ năm 2015, Hà Tĩnh đã bứt phá mạnh khi tăng đến 22 bậc. Nếu như năm 2015, Hà Tĩnh còn xếp thứ 45 thì một năm sau đã "rút" được 6 bậc lên 39, đến năm 2017 tiếp tục lên vị trí 33 và năm 2018 vừa qua đã "vọt" đến 10 bậc - lên vị trí 23.

106d4095236t4850l9-pci-2017.jpg

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 của 63 tỉnh, thành. Nguồn: VCCI.

 

Đây là năm thứ 14 liên tiếp VCCI và USAID công bố bộ chỉ số này. PCI được xây dựng nhằm đánh giá về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Không chỉ dừng lại ở việc công bố 10 chỉ số thành phần, phản ánh lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, Báo cáo PCI 2018 còn có nghiên cứu chuyên đề - thảo luận về tác động của hội nhập toàn cầu đến việc thực hiện giao kết hợp đồng của doanh nghiệp.

Nghiên cứu PCI gồm 10 chỉ số thành phần gồm:

1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;

2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;

3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;

4) Chi phí không chính thức thấp;

5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;

6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;

7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;

8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;

9) Chính sách đào tạo lao động tốt;

10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.

 

Văn Phúc