Đồng Tháp:
Đồng Tháp 12 năm liền trong top đầu PCI cả nước
(Dân trí) - Năm 2019, Đồng Tháp giữ vị trí Á quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là tỉnh duy nhất cả nước khi 12 năm liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.
Ngày 5/5, lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 đã diễn ra tại Hà Nội. Buổi lễ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Theo báo cáo PCI 2019 công bố, Quảng Ninh giữ vững vị trí hạng nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 73,40 điểm (đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh này đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước); Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí á quân trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 72,10 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2018. Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 (71,30 điểm).
Ngoài ra, nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 có sự trở lại của Bắc Ninh (70,79 điểm, vị trí thứ 4); tiếp theo là các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (70,15 điểm, vị trí thứ 5), Quảng Nam (69,42 điểm, vị trí thứ 6), Bến Tre (69,34 điểm, vị trí thứ 7), Long An (68,82 điểm, vị trí thứ 8), Hà Nội (68,80 điểm, vị trí thứ 9) và TP.Hải Phòng (68,73 điểm, vị trí thứ 10).
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Văn Dương chia sẻ: “Đồng Tháp rất phấn khởi khi được người dân đánh giá cao qua Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 xếp thứ hai cả nước. Hôm nay, với kết quả PCI 2019 vừa công bố, tỉnh giữ vững ngôi vị Á quân và tiếp tục nằm trong nhóm được đánh giá có chất lượng điều hành rất tốt".
"Đó chính là sự khích lệ lớn cho cả bộ máy chính quyền tỉnh Đồng Tháp về sự kiên trì vượt qua những rào cản, tiếp tục có những thay đổi trong lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự tăng trưởng của địa phương", ông Dương nói.
Trong nhiều năm qua, Đồng Tháp với chủ trương “đồng hành với doanh nghiệp” nên đã kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ ứng xử theo kiểu “xin - cho” thành “đồng hành cùng doanh nghiệp”, từ tư duy “quản lý, điều hành doanh nghiệp” trở thành “kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động” để doanh nghiệp an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn…
Ngoài ra, Đồng Tháp đã triển khai quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp theo mô hình “Bốn tại chỗ trong một ngày làm việc”; tiếp tục tạo lập nhiều kênh giao tiếp với cộng đồng doanh nghiệp như điện thoại, email, mạng xã hội zalo, facebook; mô hình cà-phê doanh nhân - doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các mô hình như: Hẹn giờ thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà, trả kết quả tận nhà qua Bưu điện; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa kết hợp các bưu điện văn hóa cấp xã. Thời gian xử lý trung bình đối với hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp là 1,27 ngày và thay đổi là 1,22 ngày, 100% hồ sơ đều giải quyết đúng hạn.
Tỉnh cũng quan tâm tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mới trong năm 2019 là 525 với tổng vốn đăng ký hơn 3.400 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm thực hiện, thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin kịp thời cho nhà đầu tư. Kết quả 2019, tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng, trong đó có hai dự án FDI.
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần giúp PCI Đồng Tháp 12 năm liền nằm nhóm năm địa phương dẫn đầu, trong đó có năm năm liên tiếp nằm trong nhóm ba của các tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng PCI trên cả nước.
Nguyễn Hành