Bị than độc quyền hậu thâu tóm Uber, Grab nói "thực tế muốn có nhiều đối thủ"

(Dân trí) - Bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab cho rằng: Việt Nam là thị trường rất năng động, thay đổi rất nhanh. Thực sự Grab muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh, chỉ nhờ vậy mới có những bài học, để biết làm thế nào nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn.

Bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab nói muốn có nhiều đối thủ để cạnh tranh.
Bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab nói muốn có nhiều đối thủ để cạnh tranh.

Sau khi thâu tóm Uber ở Việt Nam, rất nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng phục vụ, giá cước của “ông lớn” thị trường gọi xe Grab. Nhiều ý kiến cho rằng, Grab đang có vị thế thống lĩnh thị trường, độc quyền, nên “áp đặt” cuộc chơi với cả tài xế, khách hàng, đối thủ.

Tuy nhiên khi trao đổi với báo chí hôm 11/9, bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab lại cho rằng: Việt Nam là thị trường rất năng động, thay đổi rất nhanh. Sau khi sáp nhập với Uber, tại Việt Nam có 9 đơn vị có hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ.

“Thực sự chúng tôi muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh. Bởi vì chỉ nhờ vậy mới có những bài học, để biết làm thế nào nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn", bà Tan Hooi Ling nói khi được hỏi về vấn đề “độc quyền”.

Thực tế, sau khi Uber “biến mất”, rất nhiều các ứng dụng như Mai Linh Bike, Vato, Aber, Fastgo... và vô số cái tên mới khác liên tục tung chiêu, quảng bá rầm rộ.

Tuy nhiên, thời gian qua chưa có đơn vị nào thực sự thành công trong việc chiếm lại khoảng thị phần Uber bỏ trống, tạo lập lại một thị trường thực sự cạnh tranh, giảm bớt vị thế gần như độc quyền của Grab.

Cho đến thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, với sự xuất hiện của Go-Viet thì người ta lại đang nghĩ tới một viễn cảnh khác cho thị trường ứng dụng gọi xe. Go-Viet chính là bước đi đầu tiên của Go-Jek ra thị trường Đông Nam Á.

Ở thị trường gọi xe ôm công nghệ, Go-Viet với những chiêu khuyến mại khá “sốc” đã tạo ấn tượng mạnh cho người dùng.

Ngay khi vừa ra mắt tại TP.HCM với chiến dịch khuyến mại 5.000 đồng cho 8km cùng với nhiều ưu đãi cho tài xế, màu áo đỏ của Go-Viet đã nhanh chóng tràn ngập. Thậm chí, Chủ tịch Go-Jek Andre Soelistyo còn trả lời trên báo chí: Go-Viet đạt 10% thị phần sau 3 ngày.

Ngay sau đó, Grab đã tỏ ra lo lắng trước vị thế số 1 của mình sau khi Go-Viet xuất hiện bằng một loạt phản công. Trong khi Go-Viet nâng cuốc xe đồng giá lên 9.000 đồng thì Grab tung ra chương trình khuyến mãi khá sốc. Các cuốc xe GrabBike dưới 8km được tính đồng giá 5.000 đồng, áp dụng từ cuối tháng 8. Ngoài ra, nhiều khách hàng còn nhận được thông báo khuyến mãi chuyến đi dưới 8 km có giá 2.000 đồng, miễn phí các cuốc dưới 5km ở một số quận trung tâm TP.HCM.

Trong cuộc đua “đốt tiền” này, trong thời điểm hiện tại thật khó để nhận định Go-Viet liệu có giành được ưu thế trong việc chiếm thị phần đối thủ lớn như Grab hay không. Tuy nhiên, có một điểm chắc chắn rằng, với sự xuất hiện của các đối thủ, đặc biệt những đối thủ lớn, có tiềm lực sẽ giúp thị trường mau lấy lại thế cạnh tranh, có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Và với Grab, dù có thực sự “mong muốn có thật nhiều đối thủ” như lời bà đồng sáng lập hay không thì vẫn sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến lớn. Trong cuộc chiến này, nếu Grab không nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn thì sẽ tự tay "dâng" miếng bánh màu mỡ cho đối thủ.

Nguyễn Khánh

Bị than độc quyền hậu thâu tóm Uber, Grab nói "thực tế muốn có nhiều đối thủ" - 2