Bị Mỹ gán mác "thao túng tiền tệ": Nhóm doanh nghiệp nào chịu ảnh hưởng?
(Dân trí) - Đây có thể là các nhóm ngành tương đối đặc thù và không phải là các nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Như tin đã đưa, trong báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam đã vi phạm 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.
Trước đó, vào hồi cuối tháng 8, Bộ Tài chính Mỹ đã phát đi thông báo cho rằng tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4,7% so với đồng USD trong năm 2019.
Động thái này liên quan đến sắc lệnh vào tháng 2 của Chính phủ Mỹ cho phép các công ty nước này có thể khởi kiện các đối thủ nước ngoài trong trường hợp chỉ ra được các đối thủ này được hưởng lợi từ việc đồng tiền bị định giá thấp như một hình thức trợ cấp từ Chính phủ.
Trong quá khứ, một số quốc gia/vùng lãnh thổ cũng đã bị Mỹ dán mác thao túng tiền tệ là Hàn Quốc (năm 1988), Đài Loan (năm 1988 và năm 1992), Trung Quốc (năm 1992-1994, 2019); Ấn Độ (năm 2017).
Phản ứng nhanh và tích cực của cơ quan quản lý
Sau khi có thông tin chính thức về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ, ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thông cáo khẳng định động thái mua ngoại tệ trong thời gian qua là nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, hoạt động này cũng củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Cụ thể, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính khoảng 3,87 tháng nhập khẩu - con số thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Do đó, việc xây dựng dự trữ ngoại hối là hoàn toàn thiết yếu trong bối cảnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại báo cáo chuyên đề vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, các biện pháp có thể tiến hành trong tương lai từ góc độ cơ quan quản lý:
Một là, hợp tác cung cấp thông tin, tiến hành giải trình về việc không sử dụng can thiệp ngoại tệ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu mà thay vào đó nhằm mục tiêu dự trữ nguồn lực ngoại hối trong bối cảnh so với các nước trong khu vực dự trữ ngoại hối theo tháng nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp.
Hai là, thực hiện các nhóm giải pháp phòng chống gian lận xuất xứ nhằm hạn chế hàng hóa từ nước thứ ba lợi dụng xuất xứ Việt Nam nhằm né tránh các biện pháp phòng về thương mại từ phía Mỹ.
Trong đó, các biện pháp đã được tiến hành gồm có: hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe; khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa lưu thông trong nước; thanh tra, kiểm tra cấp C/O; v.v
Các cơ quan quản lý cả từ chính phủ, NHNN và các bộ ngành liên quan đã và đang tiến hành các biện pháp trên nhiều lĩnh vực và mặt trận có thể nhằm giảm thiểu khả năng Việt Nam bị chính thức gắn mắc thao túng tiền tệ cũng như bị áp các lệnh trừng phạt sau đó.
VND chịu áp lực mạnh hơn không ảnh hưởng nhiều lên xuất khẩu
Trong kịch bản cơ sở, VCBS kỳ vọng Mỹ sẽ không tiến hành các biện pháp trừng phạt thuế quan trên diện rộng với Việt Nam mà thay vào đó các biện pháp giải quyết vấn đề sẽ được thu xếp qua đàm phán song phương giữa các cơ quan ngoại giao và thương mại hai bên.
Còn trong trường hợp tiêu cực, VCBS lưu ý 13 mặt hàng có nguy cơ chịu mức điều tra cao (theo cập nhật từ Bộ Công thương tới quý 2/2020.
Các mặt hàng này bao gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, gạch men, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng.
Cũng cần lưu ý thêm đây có thể là các nhóm ngành tương đối đặc thù và không phải là các nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
"Đồng thời, sâu xa hơn nhìn từ góc độ chính trị, không phải ngẫu nhiên thông tin này xuất hiện ngay sau khi có thông tin Apple chuyển dây chuyền sản xuất Ipad và Macbook sang Việt Nam" - VCBS nhìn nhận. Điều này đồng nghĩa xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang nhiều quốc gia khác trong khu vực trong đó có Việt Nam sẽ vẫn tiếp diễn.
Theo đó, khả năng giảm thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trong các năm tiếp theo sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Như vậy, điều này sẽ tạo ra những lợi thế không nhỏ đối với Mỹ không chỉ trên bàn đàm phán thương mại mà còn tạo ra ảnh hưởng nhất định trong việc thu hút ảnh hưởng đối với Mỹ.
Theo VCBS, trong tương lai thông tin này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới mức độ linh hoạt trong sử dụng công cụ điều hành của NHNN liên quan đến tăng cường dự trữ ngoại hối và điều hành tỷ giá. Cụ thể, NHNN nhiều khả năng sẽ hạn chế hơn việc mua ồ ạt và liên tục lượng lớn USD trên thi trường và đồng thời cần cân nhắc hạ giá mua USD tại một số thời điểm.
VCBS dự báo, sẽ có thời điểm trong năm 2021, VND sẽ lên giá so với USD. Biên độ dao động của tỷ giá được dự báo trong khoảng ±0,5%.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng, việc đồng VND đang chịu áp lực mạnh lên sẽ không ảnh hưởng quá nhiều lên xuất khẩu do xuất khẩu được đóng góp chủ yếu bởi khối FDI và đồng tiền của nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang chịu áp lực tăng giá so với USD.
Hơn thế nữa, việc VND mạnh cũng được nhìn nhận là thông tin tích cực trên góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, nhìn từ góc độ lãi suất, NHNN có thể sẽ ưu tiên sử dụng nhiều hơn các công cụ lãi suất điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Nói cách khác, điều này sẽ củng cố cho kỳ vọng lãi suất điều hành có thể sẽ giảm thêm trong thời gian tới, phần nào giảm bớt áp lực mạnh lên của đồng nội tệ VND.
Theo VCBS, nhà đầu tư đang có các phản ứng tiêu cực nhưng mang tính ngắn hạn trước thông tin nói trên. Trên thực tế, việc Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ chưa lập tức kèm theo các biện pháp trừng phạt từ phía chính quyền Washington.
Hiện tại, các chuyên gia đang đưa ra các dự đoán khác nhau về các biện pháp trừng phạt có thể đến từ Mỹ cũng như các chính sách đối ngoại từ phía Việt Nam.
Đối với thị trường chứng khoán, VCBS cho rằng, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong một số phiên tiếp theo, tuy nhiên thị trường sẽ sớm đánh giá lại tác động của sự kiện nói trên đối với nền kinh tế Việt Nam một cách cụ thể và chính xác hơn.
Trong trung hạn, VCBS tin rằng thông tin kể trên sẽ ít khả năng có tác động tiêu cực đến diễn biến và xu hướng của thị trường, mà chỉ có một bộ phận các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ (đã kể trên) sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi kết luận của Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến thuế chống trợ cấp.
Nhìn chung, đà tăng điểm được kỳ vọng có thể sẽ được phục hồi sau một vài phiên điều chỉnh giảm, tuy nhiên động lực tăng điểm sẽ có phần thận trọng hơn trong nhịp tăng điểm tiếp theo.