1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bi hài thưởng Tết là 70 chiếc quần đùi

Nhận bịch…quần đùi từ tay nhóm trưởng với thông báo “đây là quà thưởng Tết cuối năm”, chị Trần Thị Hải - nhân viên một công ty may ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thở dài thườn thượt. Niềm hy vọng về một cái Tết “xôm” hơn mọi năm đã bị tắt ngóm.

Quà Tết “nhà trồng được”

 

Cũng theo chị Hải, nếu như năm trước, mỗi công nhân được thưởng một tháng lương thì năm nay do hàng bán không chạy nên công ty thưởng luôn…hàng ế cho nhân viên. Do vậy, mỗi người được nhận khoảng 70 chiếc…quần đùi, quần soóc nên chị Hải phải mang ra chợ nhờ bán.

 

“Trời lạnh nên nếu được tặng quần áo rét thì còn dùng được chứ quần đùi thì…Tôi đã tặng họ hàng, bạn bè mỗi người vài cái nhưng vẫn không hết nên tiếc của phải mang đi bán. Thôi thì được đồng nào hay đồng ấy” - chị Hải than thở.
 
Bi hài thưởng Tết là 70 chiếc quần đùi

 

Giống như công ty của chị Hải, do làm ăn khó khăn nên năm nay, thay vì thưởng Tết cho nhân viên bằng tiền, nhiều đơn vị quyết định thưởng bằng các sản phẩm “nhà trồng được” vừa để giải phóng hàng tồn kho, vừa đỡ được một khoản chi bằng tiền mặt. Không chỉ tặng đồ may mặc như quần áo, khăn tất, một số công ty còn tặng đường, miến, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, nước ngọt, giỏ quà Tết, sữa, bánh kẹo…cho nhân viên.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng – công nhân khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên cho biết, Tết này, công ty anh tặng mỗi công nhân 5 phiếu mua hàng tại siêu thị, mỗi phiếu trị giá 100.000 đồng.

 

Tuy vậy, anh Hùng không dùng phiếu này đi mua hàng vì nghĩ trong siêu thị hàng hóa sẽ đắt hơn nên đành nhượng lại cho một người bạn với giá 480.000 đồng. “Có lẽ họ tặng phiếu mua hàng của siêu thị để còn được hưởng % từ siêu thị đó” - anh Hùng chia sẻ.

 

Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu, một số đơn vị còn thưởng Tết cho nhân viên bằng vé xem phim, vé tàu xe, tăng ngày nghỉ. Thậm chí có công ty còn thưởng Tết cho nhân viên bằng…gạch xây dựng.

 

Theo một số công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, để giữ chân công nhân, một doanh nghiệp đã nghĩ ra một cách thưởng Tết rất lạ. Trong tháng lương cuối cùng của năm, mỗi công nhân sẽ bị giữ lại 200.000 đồng. Công ty sẽ  đưa công nhân về quê ăn Tết và đón lên làm việc bằng xe của công ty. Số tiền của mỗi cá nhân sẽ được hoàn lại khi họ đi làm đúng hẹn.

 

Chị Lê Thị Nhàn - một công nhân quê ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: “Những người không về bằng xe của công ty thì không những không được thanh toán tiền tàu xe mà số tiền 200.000 đồng của họ cũng bị mất. Công ty thưởng Tết theo kiểu này chẳng khác nào làm khó công nhân. Một số người có ý định sau Tết sẽ chuyển chỗ làm khác nhưng vì tiếc tiền nên đành phải ở lại. Đúng là nhận thưởng Tết mà chẳng thấy vui chút nào”.

 

Do việc thưởng Tết bằng hiện vật là khá phổ biến nên trên nhiều trang web, tình trạng rao bán quà Tết cũng trở nên nhộn nhịp.  “Mình có chồng làm tại công ty dệt kim, đợt tết này được thưởng 700 đôi tất nam. Tất dày, rất ấm lại bền. Bạn nào có nhu cầu hãy gọi điện cho mình. Mình sẽ nhượng lại theo giá bán buôn”.

 

Hoặc: “Mình được thưởng 15 thùng sữa, 2 tháng nữa hết hạn. Ai có nhu cầu mua mình sẽ bán với giá rất “mềm”, thấp hơn nhiều so với tại siêu thị, khoảng 450.000 đồng/thùng. Tiếp tục giảm giá với những người mua từ 2 thùng trở lên. Mua nhanh kẻo hết”.

 

Thưởng cho... xong chuyện

 

Nói về chuyện thưởng Tết, ông Lê Đức Tuấn – nguyên cán bộ của Bộ Lao động, Thương Bình và Xã hội cho rằng, thưởng Tết bằng hiện vật hay tiền mặt thì cũng là thưởng, quan trọng là giá trị phần thưởng và thái độ của người đứng đầu cơ quan đó đối với nhân viên như thế nào. Đại đa số các đơn vị đều cho rằng, mức thưởng tối đa tương đương với một tháng lương cơ bản cho nhân viên là mức có thể chấp nhận được.

 

Việc thưởng Tết thường dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Việc thưởng Tết cho nhân viên do các đơn vị chủ động, họ có quyền không thưởng hoặc có quyền thưởng bằng chính sản phẩm mà họ làm ra.

 

Tuy nhiên, thưởng Tết cho người lao động là cần thiết bởi nó không những có tác dụng rất lớn trong việc động viên người lao động, tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững giữa 2 bên mà còn góp phần làm tăng năng suất lao động. Đáng buồn là hiện nay, một số doanh nghiệp đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc thưởng Tết nên đã có quan điểm thưởng cho… xong chuyện. Đó là nguyên nhân chính khiến người lao động bỏ việc sau Tết. 

 

Cũng theo ông Tuấn, có thể nói lương thưởng là yếu tố quan trọng nhất mà người lao động quan tâm khi quyết định vào làm việc tại một đơn vị nào đó. Và với họ, tiền thưởng Tết là một khoản thu nhập không nhỏ để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầy đủ sung túc, là một khoản để tích lũy, để dành. Vì vậy, tiền thưởng là một trong những công cụ quan trọng trong việc sử dụng nhân sự mà các doanh nghiệp phải coi trọng.

 

Vào thời điểm cuối năm, doanh nghiệp nên nhìn nhận lại những đóng góp của người lao động trong năm qua để san sẻ lợi nhuận với họ một cách công khai, minh bạch. Có như vậy, người lao động mới có thể gắn bó lâu dài  với doanh nghiệp và các đơn vị này sẽ tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ cho việc môi giới và tuyển dụng lao động sau Tết.

 

Theo Huệ Linh

ANTĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm