Bị cướp trắng 1 tỷ USD và bài học cay đắng từ giao dịch tiền tệ mô hình đa cấp
Không chỉ vẽ ra viễn cảnh thu nhập siêu lợi nhuận, hoạt động “tín dụng đen” hình thành đường dây lừa đảo, cho vay lãi suất cao khép kín, mà thời gian gần đây, loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng tinh vi hơn khi xâm nhập vào thị trường giao dịch tiền tệ.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, trang tin tức tổng hợp chuyên về mảng tài chính quốc tế Bloomberg có bài điều tra, phân tích về kiểu lừa đảo mới này sau khi cả trang web đầu tư ngoại hối secureinvestment.com bất ngờ đóng cửa và những nhân viên của công ty này biến mất bí ẩn, đã “cướp” trắng hơn 1 tỷ USD của các khách hàng ở 11 quốc gia.
Mất trắng…
Một góc giao diện của secureinvestment.com khi còn hoạt động
(được lưu lại trên một số trang mạng khác)
Tháng 5 và tháng 6 năm ngoái, Mandal quyết định đầu tư vào trang web vào Secure 30.000 Bảng Anh. Nhưng Secure yêu cầu, Mandal phải đổi Bảng Anh sang USD và số tiền 60.000 USD này được chuyển tiền vào ngân hàng tại Australia và Cyprus để mở tài khoản theo hướng dẫn của Secure. Lợi nhuận tăng vô cùng ngạc nhiên, chỉ trong vòng 10 tháng, 60.000USD đầu tư của Mandal đã tăng lên gấp 4 lần (245.000 USD).
Tháng 3-2014, vì cần tiền nên Mandal quyết định đi rút một ít. Nhưng khi Mandal đăng nhập tài khoản vào secureinvestment.com, trang này hiện lên dòng chữ “Cảm ơn sự kiên nhẫn của bạn”. Nhưng đến đầu tháng 5, trang web báo mất kết nối và vẫn “đang trong quá trình bảo trì”. Theo như Mandal được biết, secureinvestment.com đã “cuỗm” số tiền 60.000USD của ông.
Những chiêu lừa “siêu đa cấp”
Dựa trên các dữ liệu được đăng trên secureinvestment.com (bản lưu trên mạng) và thống kê của Tạp chí Tài chính Bloomberg 2 tháng trước khi secureinvestment.com đóng cửa, các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã mất hơn 1 tỷ USD. Khách hàng của Secure nằm rải rác tại 11 quốc gia ở 5 châu lục. 25 nhà đầu tư được phỏng vấn cho biết Secure yêu cầu họ chuyển tiền vào ngân hàng tại Australia, Cyprus, Latvia và Ba Lan.
Secure Investment “dụ” khách bằng cách tạo uy tín giả, cập nhật các giao dịch dường như thành công trên một trang web được đầu tư kỹ càng. Secure còn khẳng định có hẳn mạng lưới văn phòng và một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Nhưng thực chất tất cả đều là giả mạo, thậm chí khách hàng xuất hiện trong video đăng trên trang web đều là các diễn viên.
Trong một thời gian, những chiêu lừa của Secure đã thành công. Theo xếp hạng của Alexa.com - trang theo dõi lượt truy cập của các website, trong tháng 3-2014, trang web của Secure Investment nổi tiếng hơn cả Forex.com - sàn giao dịch tiền tệ uy tín toàn thế giới, cũng là sàn giao dịch lớn thứ hai của Mỹ. Cũng theo Alexa, từ khóa nhiều nhất dẫn view về cho Secure Investment là “đầu tư an toàn”. Trung bình mỗi khách ghé qua Secure ở lại trong 7 phút và xem 7 trang.
Tinh vi hơn, Secure Investments cho xây dựng một trang web rối rắm, dẫn link đến hàng chục công ty con tại Belize, British Virgin Islands và Anh để hút và giấu tiền của khách. Qua E-mail, Secure yêu cầu khách chuyển tiền tới tài khoản ngân hàng của các công ty con này. Bằng cách này, Secure Investments có thể che giấu các dấu vết chuyển tiền để gây khó dễ cho việc điều tra.
Do đó, đến tận thời điểm này, các nhà điều tra mới công khai thông tin Secure Investment là công ty đến từ Panama, dựa trên lời chứng của 25 nhà đầu tư được phỏng vấn ở trên. Tháng 7-2013, trang web thông tin chứng khoán của Panama (SMV) đã cảnh báo Secure Investments không có giấy phép giao dịch tiền tệ. Và khẳng định thông tin trụ sở chính của Secure Investment ở thành phố Panama là hoàn toàn giả mạo. Theo điều tra của nhà cung cấp không gian làm việc linh hoạt lớn nhất thế giới Regus Plc., tất cả địa chỉ văn phòng của Secure được liệt kê trên trang web như tại Hong Kong, Singapore, và London cũng là giả.
Nhận xét về vụ việc, các nhà phân tích tài chính khẳng định tỷ lệ 1% lãi hàng ngày là một con số không tưởng, nhất là trong dài hạn. Và rằng, lãi suất cao đến khó tin không kèm điều kiện chính là một trong những đặc điểm chính để nhận dạng “bẫy” kinh doanh đa cấp.
Theo Thúy Hằng