1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bị chỉ trích, Bộ Tài chính vẫn giữ giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng

(Dân trí) - Dù có một số ý kiến phản đối, nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo lưu đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân 11 triệu đồng/người/tháng.

Tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng hợp trước thềm Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp dự kiến diễn ra ngày 9/5, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm báo cáo Chính phủ cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng.

Mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.

Bị chỉ trích, Bộ Tài chính vẫn giữ giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng - 1

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội quyết định về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng

Bộ Tài chính cho biết, với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nói trên, sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu người đang thuộc diện phải nộp thuế sẽ không phát sinh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, số thu thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm.

Trước đó, tại Họp báo Chính phủ tháng 3/2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, Bộ Tài chính đã phản hồi về vấn đề này sau khi rất nhiều chuyên gia nói cách tính của Bộ chưa hợp lý.

Bà Mai khẳng định: “Bộ Tài chính đã theo dõi CPI biến động và tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới. Mức điều chỉnh phù hợp biến động giá cả”.

Như vậy, đây là lần thứ 2, Bộ Tài chính đưa đề xuất này ra báo cáo Chính phủ, trước đó là ngày 10/4, Bộ Tài chính cũng báo cáo Chính phủ về đề xuất này trong Hội nghị Chính phủ với địa phương.

Trong khi đó, khi Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh nói trên, nhiều chuyên gia đã phản bác.

Trả lời phỏng vấn của báo Dân trí, chuyên gia tài chính, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng: "Lấy cách tính của Bộ Tài chính, dựa vào con số tăng tỷ lệ lạm phát 23,2% cuối kỳ, là không hợp lý.

Ông Thịnh cho rằng, dựa trên các cách tính về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), việc tăng mức giảm trừ gia cảnh ít ra phải là từ 12,8 - 13,5 triệu đồng/cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 5,1 đến 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, trả lời báo Tiền Phong, Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật Basico - cho hay: Việc quy định mức tăng lạm phát trên 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lí. Bởi, luật chỉ thu thuế sau khi đảm bảo đời sống cho người dân thì mỗi năm khi chỉ số CPI tăng dù chỉ 2 - 3% thì thuế phải thay đổi theo mà không cần đợi đến mức lên 20%.

Đặc biệt, theo luật sư Đức, thuế suất thuế thu nhập cá nhâ chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và cao so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia... Do đó, cần sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp.

Một số chuyên gia cũng nhìn nhận cách Bộ Tài chính lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23% để ra con số 11 triệu đồng là cách làm đơn giản.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm