Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh:
"Mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải 13 triệu đồng/người/tháng"
(Dân trí) - Trả lời phóng viên báo Dân Trí về chủ đề nâng mức giảm trừ gia cảnh, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cách tính của Bộ Tài chính chưa phù hợp và có nhiều vấn đề về thuế này cần sửa đổi.
Dân Trí xin trích đăng các ý kiến của PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh về những vấn đề của thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh đang được quan tâm hiện nay.
Thưa ông, Bộ Tài chính vừa đưa ra dư luận lấy ý kiến về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cá nhân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng, là người nghiên cứu nhiều năm về thuế thu nhập cá nhân, ông có đánh giá gì về đề xuất này?
- Theo đề xuất của mình, Bộ Tài chính mới chỉ đưa ra mức giảm trừ gia cảnh nhưng đưa mức giảm trừ gia cảnh cũng không hợp lý.
Việc lấy 9 triệu đồng x 1,23% để ra con số mức giảm trừ gia cảnh cá nhân người chịu thuế là 11 triệu đồng; và 3,6 triệu đồng x 1,23% cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng là cách tính không hợp lý.
Chúng ta phải tính theo cấp số nhân cả các năm từ năm 2013 đến 2019 để có thể xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh chính xác theo mức trượt giá thực tế. Nếu tính đúng, tính đủ, con số tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ cao hơn.
Theo nhiều tính toán, mức tăng lạm phát năm cuối kỳ 2019 so với năm gốc 2013 là khoảng 143,1%, tương ứng tỷ lệ tăng 43%. Cách tính này khiến mức giảm trừ gia cảnh cá nhân người chịu thuế tăng từ 9 triệu đồng hiện nay lên 12,8 triệu đồng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 5,1 triệu đồng. Ông thấy cách tính này có hợp lý?
- Lấy cách tính dựa vào con số tăng tỷ lệ lạm phát 23,2% cuối kỳ, Bộ Tài chính không hợp lý. CPI là chỉ số giá cả của các mặt hàng cơ bản của năm sau so với năm trước, ví dụ 2012 là 100%, thì 2013 là 106,6%, rồi năm 2014 lại so với năm 2013 sẽ ra số của kỳ tiếp theo với kỳ cuối. Càng xa về sau, lạm phát càng tăng và số liệu càng lệch đi. Chỉ số lạm phát 23,2% để bù vào nhằm nâng mức giảm trừ gia cảnh là chưa chính xác.
Với cách tính tăng chỉ số lạm phát theo giai đoạn, lấy năm 2013 là gốc, có nhiều cách tính cho ra mức tăng cuối kỳ 143%, tương ứng 43% và 150,3%, tương ứng tỷ lệ tăng 50,3%.
Với cả hai cách tính trên, đều cho mức giảm trừ gia cảnh cá nhân tăng lên từ 12,8 đến 13,5 triệu đồng/người/tháng; mức giảm trừ gia cảnh là 5,1 đến 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Cách tính này có thể khiến số người nộp thuế ít đi nữa, người nộp thuế nhóm 1 ra khỏi trách nhiệm nộp thuế, người nộp thuế nhóm 2 xuống nhóm 1 và nhóm 3 xuống nhóm 2.
Có rất nhiều người chỉ ra các căn cứ tính người phụ thuộc áp dụng máy móc, lỗi thời, đây là nguyên nhân khiến nhiều người dù nuôi bố mẹ già có phụ cấp ít ỏi, vẫn phải đóng thuế?
- Người phụ thuộc phải chứng minh là có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là diện phụ thuộc. Như vậy, những ai có thu nhập 1 triệu đồng trở lên thì không được tính là người phụ thuộc nữa.
Bây giờ các ông bố, bà mẹ có thu nhập thường xuyên từ lương hưu, cổ tức hay gì đó mà từ 1,2 triệu đồng trở lên lại ở với con thì không được xét là người phụ thuộc.
Lấy 1 triệu đồng/tháng làm căn cứ xác định phụ thuộc thì quá lạc hậu. Đi ăn cỗ, khám chữa bệnh một tháng cũng mất 3 lần số đó, đấy là chưa nói 1 triệu đồng hiện nay làm sao đủ cho họ nuôi sống được mình, ngay cả ở các địa phương, chứ chưa nói đến thành phố.
Theo tôi, mức tính người phụ thuộc ít nhất bây giờ phải tối thiểu có thể sống được 3 triệu đồng. Tôi không thấy Bộ Tài chính nhắc đến sửa đổi cái này.
Trong đề xuất của mình, Bộ Tài chính có nhắc đến tỷ lệ tăng CPI 20% của thời điểm hiện tại so với thời điểm tính, mới đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhiều chuyên gia chỉ ra cách tính này lạc hậu, thậm chí không nghĩ đến người dân?
- Cần cải cách sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp, mức quy định trong luật là 20% mới xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh, đáng lẽ ra Bộ Tài chính phải làm từ năm 2019 bởi cuối năm 2018, lạm phát đã vượt 20% rồi.
Tôi cho rằng, mức căn cứ 20% mới nâng mức giảm trừ gia cảnh cần xem lại vì nó là mức rất lớn. Nên xem xét việc nâng mức giảm trừ gia cảnh hàng năm, nếu lạm phát cao phải tăng ngay để hỗ trợ cho người dân và nuôi dưỡng nguồn thu.
Với mức tăng từ dưới 3% đến dưới 5% của lạm phát hiện nay, nếu căn cứ mức lạm phát tăng 20% trong giai đoạn tính, thì về nguyên tắc phải sau 5-7 năm chúng ta mới thay đổi được mức giảm trừ gia cảnh, điều này không hợp lý.
Hiện nay, chúng ta có hạ tầng số hóa rồi, việc áp dụng số hóa trong tính toán giảm trừ gia cảnh hằng năm cũng khá đơn giản, thuận tiện.
Trong khi đó, thu nhập bình quân người dân tăng lên, kinh tế phát triển thì mức giảm trừ phải tăng lên chứ, đứng một chỗ sao được. Nếu tiếp tục giới hạn thời gian nâng mức giảm trừ vô tình chúng ta khiến sức ép lên vai người dân, không cho họ giàu. Vì càng giàu, càng phải đóng thuế cao, người giàu sẽ dùng nhiều cách để không phải đóng thuế.
Bộ Tài chính có nhắc đến giảm thu ngân sách từ việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/cá nhân người chịu thuế lên 11 triệu đồng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện thu nhập của nhiều người tăng lên, nhóm 1 chuyển lên nhóm 2, nhóm 3 và tăng thu cho ngân sách, Bộ Tài chính không đề cập vấn đề này?
- Thực tế, những người thu nhập mức 1, ngưỡng chịu thuế khi đã trừ đi các khoản miễn trừ, bảo hiểm hoặc (người phụ thuộc) mức 1 hiện nay khá đông, việc nâng lên khiến ngân sách mất đi là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, với chính sách hiện hành mức đóng thuế mức 1, mức 2 mà không có người phụ thuộc dao động từ 10,1 triệu đồng đến 18 triệu đồng là không nhiều. Đa số người kiếm được số tiền này đều đang có người phụ thuộc là con.
Kinh tế phát triển, số người có thu nhập cao hơn ngày càng lớn, họ gia nhập nhóm thu nhập thứ 4 đến thứ 7 ngày càng nhiều, số thu ngân sách cũng tăng lên. Điều này Bộ Tài chính không nói tới, không làm rõ.
Hiện nay, Việt Nam có 7 bậc thu nhập tính thuế theo tháng, tương ứng với tỷ lệ bậc sau cao hơn bậc trước 5%, mức thấp nhất là 5%, cao nhất 35%, ông vừa nhắc đến việc thuế suất cao sẽ khiến không bình đẳng đối với người giàu có, vô tình chúng ta kìm hãm người giàu?
- Thuế thu nhập cá nhân, có rất nhiều vấn đề từ mức thuế, mức giảm trừ gia cảnh, các vấn đề khác có liên quan đến điều chỉnh.
Ví dụ như của Mỹ, Anh, có hình thức là lũy tiến tăng dần. Tuy nhiên, đến mức nào đó sẽ giảm xuống, để đảm bảo công bằng và tôn trong người giàu. Mới đầu tôi rất ngạc nhiên, khó hiểu.
Người giàu đã đóng nhiều loại thuế, nếu họ kinh doanh thì đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế VAT, mua sắm xe hơi có thuế Tiêu thụ đặc biệt, đóng phí bảo hiểm cho công nhân, lao động...
Nói chung một người giàu đóng thuế đã bằng bao nhiêu người khác rồi, nếu vẫn tiếp tục bắt họ đóng góp cao hơn quá nhiều so với người bình thường thì thật bất công, bởi không dễ làm giàu.
Nếu có giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ 30% xuống 20%, so với những người bình thường đóng 5 -10% mức thuế thì người giàu họ vẫn đóng thuế nhiều hơn một người bình thường, thậm chí bằng nhiều người bình thường cộng lại. Trong khi họ cũng là con người, chịu áp lực cuộc sống, cũng phải tôn trọng pháp luật như mọi người khác.
Người ta làm vậy vì người ta trân trọng người giàu có, bởi không dưng mà giàu được, cũng phải ăn học, vắt sức lao động, trí tuệ để kinh doanh.
Còn với Việt Nam, mức đóng thuế đánh theo diện lũy tiến, càng thu nhập cao, càng phải đóng nhiều tiền.
Mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam hiện nay cao hơn cả so với Singapore. Ví dụ thu nhập hàng chục nghìn USD/tháng nhưng thuế suất đóng thuế thu nhập cá nhân chỉ tối đa 20%, trong khi đó ở Việt Nam người có thu nhập cao từ 32 đến 52 triệu đồng đã bị áp thuế suất 25%, từ 52 đến 80 triệu đồng áp thuế suất 30% và từ 80 triệu đồng trở lên chịu thuế suất là 35%.
Trong khi đó, thu nhập trên 32 triệu đồng/tháng mới là 1.400 USD, mức còn thấp so với các nước khá nhiều.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền (thực hiện)