"Bệnh" quan chức sợ sai, không dám làm: Lỡ cơ hội, gây thiệt hại kinh tế

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, không thể chấp nhận tại bộ máy công quyền mà các cán bộ - những người được gọi là công bộc của dân, ăn lương của dân lại không muốn làm việc, bởi vì họ sợ làm sai, bị xử lý kỷ luật...

Bệnh quan chức sợ sai, không dám làm: Lỡ cơ hội, gây thiệt hại kinh tế - 1
Cán bộ sai phạm phải bị xử lý nghiêm. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý mà những lãnh đạo, công chức đương nhiệm co cụm lại không làm thì cũng là sai.

Phát biểu tại chương trình HĐND với cử tri hồi tháng 5, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay cán bộ thành phố đang có tâm lý rất e ngại, làm gì cũng sợ sai.

Việc “sợ sai” của cán bộ cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2019 của Đà Nẵng không mấy khả quan.

Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng cán bộ “sợ sai” sau hàng loạt vụ phanh phui sai phạm được đề cập tới.

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Đà Nẵng tránh tâm lý e dè, sợ sai, thấy những việc cũ đang xử lý mà không dám làm gì nữa.

"Tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng có chững lại... Đừng vì những vụ việc sai phạm trước đây làm ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của các ngành, các cấp. Như thế sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư...", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thực tế tâm lý sợ sai đã xuất hiện sau những vụ khởi tố, bắt giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ tại một số địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM... do sai phạm trong quản lý, gây thất thoát tài sản công.

Tại TP.HCM – nơi có loạt cán bộ quan chức bị xử lý sai phạm, lãnh đạo chính quyền TP cũng cho biết đang rất áp lực trước tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc…

Bàn luận về hiện tượng trên, ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia kinh tế - nói với Dân trí: Vừa qua nhiều cuộc họp, lãnh đạo đã nêu một thực tế rất đáng cảng báo, đó là việc cán bộ, công chức co cụm lại, không chủ động, không sáng tạo, không dám nghĩ, dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm… Không chỉ ở bộ máy chính quyền mà còn xảy ra ở một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Tiêu chuẩn của người cán bộ là phải có đủ đức tài. Trong chữ “đức” có cả yếu tố dám làm, dám chịu trách nhiệm, có cả yếu tố chủ động quyết liệt trong công việc.

Tâm lý sợ sai trước đây cũng có, nhưng gần đây xuất hiện mạnh hơn sau loạt những vụ khởi tố, bắt giam các nguyên lãnh đạo tại một số địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM…

Cuộc chiến chống tham nhũng càng được làm một cách mạnh mẽ càng cho thấy sự quyết tâm của Đảng, của nhà nước trong việc nghiêm trị những cán bộ vi phạm. Đáng lẽ phải coi đó là những bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong mọi quyết định thì lại trở thành nỗi sợ hãi, co cụm rồi không dám làm gì.

Người ta có câu, khi sóng gió mới biết ai vững tay chèo. Đáng lẽ đây là dịp nhìn lại, rút kinh nghiệm, lấy lại niềm tin của người dân về hình ảnh cán bộ công quyền thì một bộ phận lại tỏ ra sợ hãi, cầm chừng trước mọi quyết định.

Một thực tế đáng quan ngại khác, đó là cái đáng làm thì không dám làm. Cái không nên làm lại làm mà còn làm rất nhanh, rất mạnh tay. Đứng sau đó là cả câu chuyện lợi ích nhóm, là tư lợi cá nhân và vô số những vấn đề khác nữa.

Tác hại của việc cán bộ “không dám làm” là thời cơ của người dân, của doanh nghiệp, rộng hơn là cả nền kinh tế bị lỡ mất, gây thiệt hạ cho xã hội, cho địa phương, cho đất nước. Nhiều dự án có thể từ đó mà trì trệ, khó đảm bảo tăng trưởng…

Cái sai rõ ràng cần phải được xử lý nghiêm minh, ai làm sai thì phải chịu những mức độ kỷ luật thích đáng. Tuy nhiên theo ông phải làm thế nào để vừa xử được cái sai mà không làm cán bộ lo lắng, sợ không dám làm, dám quyết?

-Như tôi nói, tiêu chuẩn của người cán bộ là phải có đủ đức tài. Cán bộ sợ sai không dám làm thì liệu có đủ đức, đủ tài hay không? Tất cả vấn đề nằm ở khâu chọn cán bộ, công tác cán bộ.

Không còn cách nào khác là chọn cán bộ thật tốt, chọn được người có đức có tài, đặc biệt ở những vị trí quan trọng thì phải đảm bảo được tốt những yếu tố này.

Chọn được rồi cũng phải chú trọng khâu giám sát cho thật tốt. Cán bộ cấp càng cao thì càng phải làm gương. Cơ chế trọng dụng người tài, khen thưởng xử phạt kịp thời, công tâm.

Cũng cần phải xem xét đến trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu các cơ quan mà để mặc bộ máy dưới quyền trì trệ khiến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội không phát triển thì cũng phải kỷ luật. Thậm chí ông không làm được, sợ không dám làm, không muốn làm thì nên nghỉ cho người khác làm.

Đừng bao giờ lấy lý do sợ sai không dám làm để bao biện cho phẩm chất, năng lực yếu kém của mình. Bởi nếu ai làm đúng chức năng, nhiệm vụ, làm một cách đúng đắn, công tâm, không tư lợi cá nhân thì đâu phải sợ gì?

“Sao việc gì cũng đến tay Thủ tướng, cấp dưới làm gì?”; “Việc gì cũng “đến tay” Thủ tướng, vì sao thế?”; “Cấp dưới ì ra, việc gì cũng đẩy lên Thủ tướng”… đó là một số tít bài của các báo khi phản ánh thực tế cán bộ cứ ì ra đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Ông có bình luận gì về thực trạng này?

-Nhiều vụ việc cứ đẩy lên Chính phủ, đẩy lên Thủ tướng lấy ý kiến. Vậy chính quyền địa phương ở đâu?

Khi chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng làm đúng thẩm quyền, hết trách nhiệm với dân thì không phải việc gì cũng phải “chờ” đến Thủ tướng chỉ đạo mới có thể giải quyết rốt ráo.

Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, buộc cấp dưới phải chủ động, năng động thực hiện đúng đủ trách nhiệm của mình để làm sao “trên nóng, dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng”. Đừng để người đứng đầu Chính phủ phải thốt lên rằng “trên nóng dưới lạnh” nữa.

Ngoài việc sợ trách nhiệm, đùn đẩy, còn một thực trạng đã tồn tại lâu nay, đã trở thành một biểu hiện khá thường xuyên, lặp lại ở trước mỗi kỳ đại hội, cán bộ giữ mình khỏi bị vi phạm, chờ đến khi đại hội qua.

Thực sự không thể chấp nhận tại bộ máy công quyền mà các cán bộ - những người được gọi là “đầy tớ” là công bộc của dân, ăn lương của dân lại không muốn làm việc, bởi vì họ sợ làm sai, bị xử lý kỷ luật.

Rõ ràng, cán bộ sai phạm phải bị xử lý nghiêm. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý mà những lãnh đạo, công chức đương nhiệm co cụm lại không làm thì cũng là sai.

Việc sợ khuyết điểm, trách nhiệm không những làm trì trệ một vài dự án mà còn ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư, kinh doanh của cả nền kinh tế. Phải nhận thức sớm và xử lý đúng đắn vấn đề này.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh

Dòng sự kiện: Khi quan chức sợ sai