Quan chức sợ sai không dám làm: Nên nghỉ, để lâu nguy hiểm nền kinh tế!
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, Giáo sư Võ Đại Lược nhấn mạnh: Một khi làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả. Rõ ràng sợ sai không dám làm là do vấn đề năng lực. Năng lực yếu kém, khâu thẩm định có vấn đề nên làm gì cũng sợ. Nếu ông có tài, có năng lực thật thì không đễn nỗi…
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lưu ý: "Tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng có chững lại... Đừng vì những vụ việc sai phạm trước đây làm ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của các ngành, các cấp. Như thế sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư...".
Thực tế tâm lý sợ sai đã xuất hiện sau những vụ khởi tố, bắt giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ tại một số địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM... do có các sai phạm trong quản lý, gây thất thoát tài sản công.
Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp bất động sản hồi tháng 4/2019, lãnh đạo chính quyền TP cũng cho biết đang rất áp lực trước tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc…
Trao đổi với Dân trí, GS. TS Võ Đại Lược cho rằng, nếu kéo dài việc này sẽ dẫn đến những trì trệ, đất nước khó phát triển. Trong khi đó, cỗ máy kinh tế, câu chuyện tăng trưởng vẫn chuyển động không ngừng.
Ngay lúc này, doanh nghiệp và người dân rất cần sự hành động quyết liệt của cán bộ để bộ máy chính quyền vận hành thông suốt, kiến tạo, tạo niềm tin vào một môi trường kinh doanh, đầu tư tốt hơn sau hàng loạt vụ bắt bớ.
Trong giai đoạn vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng, lành mạnh hoá tổ chức cán bộ, bộ máy chính quyền được làm rốt ráo. Không phủ nhận những điểm tích cực từ công cuộc này, tuy nhiên có một thực tế đang buồn là tâm lý nhiều lãnh đạo không dám làm vì… sợ sai. Thực tế này vô cùng đáng quan ngại thưa ông?
-Phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm, suy thoái, là những vấn đề liên tục nóng trong vài năm trở lại đây. Việc phanh phui những sai phạm của những cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp rất cao được dư luận ủng hộ, mang tính răn đe rất lớn đối với những người đương chức, đương quyền.
Tuy nhiên, có một thực tế cuộc chiến chống tham nhũng “quét” đến đâu thì nhiều cán bộ sợ hãi đến đó. Trong khi đây đáng phải được coi là cơ hội để cán bộ công chức lấy đó làm gương, làm bài học kinh nghiệm để chỉnh đốn tổ chức, cẩn trọng và nghiêm minh hơn trước mọi quyết định thì thay vào đó, nhiều người sợ hãi, lo lắng, co cụm rồi không dám làm gì.
Đọc trên báo, thấy ông Chủ tịch Đà Nẵng còn phát biểu rằng: “Bây giờ cán bộ làm việc gì cũng sợ sai. Nhiều cán bộ "suy tư, lo lắng", khiến tinh thần làm việc giảm. Sự cẩn trọng của cán bộ công chức, viên chức diễn biến theo chiều hướng trì trệ…”.
Tôi cho rằng, mỗi cán bộ, công chức phải làm đúng trách nhiệm của mình, tránh xa được cái gọi là lợi ích nhóm. Một khi làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả.
Rõ ràng sợ sai không dám làm là do vấn đề năng lực. Năng lực yếu kém, khâu thẩm định có vấn đề nên làm gì cũng sợ. Nếu ông có tài, có năng lực thật thì không đến nỗi…
Đưa người tài vào bộ máy công quyền
Rõ ràng cái sai cần phải được phanh phui, người làm sai phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên theo ông phải làm thế nào để vừa xử được cái sai mà không làm cán bộ lo lắng, sợ không dám làm, dám quyết?
-Tại hội nghị TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản được tổ chức vào hồi tháng 4 vừa qua, một số tờ báo phản ánh việc nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn vì vướng thủ tục pháp lý cũng như cơ chế, chính sách; nếu không có biện pháp tháo gỡ thì hậu quả để lại cho nền kinh tế là rất lớn.
Tôi cho rằng câu chuyện này không chỉ riêng TP.HCM mà còn rất nhiều địa phương trên cả nước vướng tình cảnh này.
Thủ tục thì rối ren, rườm rà. Lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương sợ trách nhiệm, đùn đẩy nhau. Nếu quyết một cái gì đấy thì lại rất sợ xảy ra tiêu cực, sai trái. Sự rụt rè làm cho công việc chậm trễ, doanh nghiệp mất cơ hội, đội chi phí.
Giờ xử lý vấn đề này thì xử lý từ đâu. Tôi cho rằng, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng là rất tốt nhưng muốn xử lý triệt để thì phải tập trung đẩy mạnh thay đổi cơ chế. Chính cơ chế “xin – cho” đẻ ra tham nhũng thì vẫn còn tồn tại.
Bộ máy “xin – cho” muốn vận hành được phải có dầu bồi trơn. Nếu quét “dầu bôi trơn” ấy đi thì bộ máy sẽ trì trệ. Chúng ta vẫn thường nghe phải “đổi mới thể chế”. Rõ ràng phải đổi mới thể chế, nhưng không chỉ là khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất.
Vẫn cơ chế “xin – cho”, vẫn có tình trạng giành lợi ích, cài cắm lợi ích thì mọi thứ sẽ vấn cứ trì trệ. Phải hạn chế thấp nhất cơ chế xin cho, ngăn chặn lợi ích nhóm chi phối.
Cũng phải nhắc lại, cán bộ sợ sai không dám làm còn do vấn đề năng lực. Do vậy, làm sao triệt phá được tệ nạn “chạy chức chạy quyền”, “mua quan bán chức”, đưa được người tài vào bộ máy thì cỗ máy sẽ vận hành tốt.
Không thể để yên tình trạng ngồi không cho an toàn
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề trọng dụng người tài, đưa được nhiều người có năng lực vào bộ máy công quyền hiện nay?
-Muốn trọng dụng người tài thì đồng thời phải dẹp được nạn chạy chức chạy quyền. Nếu họ phải mua quan bán chức, rõ ràng khi mua được rồi thì sẽ thi nhau vơ vét, kiếm về để thu lại những gì bỏ ra, điều đó căn cơ xảy ra sai phạm.
Nhìn một số nước có sự phát triển đột phá như Hàn Quốc, Singapore họ đều có chiến lược thu hút người tài rất đáng học hỏi.
Muốn đất nước phát triển, không còn cách nào khác đó là phải thu hút được người tài vào trong các cơ quan nhà nước. Yếu tố con người đóng vai trò quyết định.
Mỗi năm, chúng ta tuyên dương bao nhiêu thủ khoa, cộng dồn lại có cả vài trăm người, nhưng họ đi đâu hết rồi? Điểm lại đâu có mấy cô cậu thủ khoa vào làm cho Nhà nước? Thủ khoa mà đem họ về không trọng dụng họ thì họ sẽ lại ra đi thôi.
Phải nhìn nhận thẳng một vấn đề, đó là chúng ta chưa có chính sách trọng dụng nhận tài tốt. Trong khi đó, thế giới họ đua nhau cuộc chiến nhân tài, tìm mọi cách thu hút nhân tài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%). Đây có phải là con số cho thấy sự trì trệ của cán bộ không dám làm…?
-Đây là minh chứng cho thấy tình trạng trì trệ hiện nay. Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ: “Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, xuất hiện tâm lý ngại hoàn thiện thủ tục, ngại triển khai do chưa nắm vững quy định pháp luật, sợ trách nhiệm...”.
Nguồn vốn nhà nước chiếm phần rất lớn trong tổng đầu tư xã hội, giải ngân chậm sẽ kéo lùi tăng trưởng. Thủ tướng cũng nhiều lần nói về tình trạng “trên nóng dưới lạnh”…
Trong khi đó, đầu tư công chủ yếu là cơ sở hạ tầng, giải ngân chậm như vậy có rất nhiều thiệt hại: Trì trệ cơ sở hạ tầng, không thúc đẩy phát triển được kinh tế xã hội; các dự án chậm bao nhiêu thì lãi vay càng tăng bấy nhiêu, vốn đội lên càng nhiều, chất lượng không đảm bảo… Rất đáng lo ngại!
Vậy xử lý thế nào? Nếu làm làm nghẽn giải ngân đầu tư công cũng phải kỉ luật. Không chịu làm cũng kỷ luật. Ông không làm được, không dám làm thì để người khác làm. Không thể để có chuyện không làm để an toàn. Ông đang ăn lương nhà nước, sao có chuyện “ngồi chơi”.
Có câu chuyện một dự án đang được doanh nghiệp đầu tư dự án với số vốn khổng lồ, tuy nhiên, tuy nhiên sau khi có bút phê đánh giá tiền khả thi dự án về môi trường, an ninh hay vì lí do gì đó, hệ quả là dự án bị dừng, bị treo vì những cơ quan liên quan khác thấy vậy mà sợ. Điều này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp này?
-Quy trách nhiệm cá nhân thôi. Phải quy định trách nhiệm cá nhân trong việc lưu ý, bởi những lưu ý này có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn. Quy trách nhiệm mạnh mẽ để tránh lưu ý bừa bãi. Dẫn đến thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Mạnh (thực hiện)