Bê bối thịt bẩn Brazil: Việt Nam tạm dừng nhập khẩu từ hôm nay (23/3)
(Dân trí) - Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD, trong đó hầu hết là thịt gà.
Tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Brazil.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ ngày 23/3, Việt Nam tạm ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil. Các nhà máy này đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn, thực phẩm.
Bộ giao Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam trước ngày 23/3. Nếu phát hiện thịt và sản phẩm thịt của 21 nhà máy thì tạm ngừng kiểm dịch nhập khẩu và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét để xử lý theo quy định.
Cục Thú y thông báo chính thức cho cơ quan có thầm quyền của Brazil biết để phối hợp thực hiện. Tổ chức kiểm tra, xác nhận việc Brazil kiểm soát được thịt và sản phẩm thịt bảo đảm an toàn thực phẩm và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện Brazil đang tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ cáo buộc nhiều công ty trong đó có cả công ty JBS và BRF, là hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil cũng như của thế giới đã hối lộ các nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn.
Nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh và để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại a-xít không được phép dùng trong thực phẩm. Các sản phẩm nhiễm bẩn này đã được phân phối trên thị trường nội địa thông qua các chuỗi siêu thị. Theo thông tin của cảnh sát, thì một số sản phẩm thị nhiễm vi khuẩn Salmonella đang trên đường xuất khẩu sang châu Âu.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Brazil có thông báo nhằm trấn an dư luận rằng đây chỉ là vụ việc riêng lẻ, không phải là đại diện cho cả ngành sản xuất thịt của nước này. Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của nước này hoạt động rất chặt chẽ và hiệu quả.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu, Mỹ, và Trung Quốc đã có chính thức yêu cầu phía Brazil giải trình về bê bối thịt bẩn nêu trên.
Việt Nam đã nhập gần 3.000 tấn thịt từ Brazil từ đầu năm
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD, tương ứng khoảng 33.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, số liệu của Hải quan Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể với số liệu được Bộ Công Thương cho biết trước đó. Trước đó, Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.
Các loại thịt xuất xứ từ Brazil được nhập về Việt Nam từ đầu năm đến 15/3/2017 chủ yếu gồm: thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với 1,54 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD; tiếp theo là cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 0,77 nghìn tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD; các loại thịt và phụ phâm dạng thịt khác là 0,47 nghìn tấn, trị giá hơn 1 triệu USD.
Trước đó, năm 2016, thống kê của Hải quan cũng ghi nhận cả nước cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21 nghìn tấn, trị giá gần 25 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 4,7% về trị giá so với năm 2015.
Theo Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/3/2017, cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ trị giá 65 triệu USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ lớn nhất cho Việt Nam với hơn 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng 31,7% tổng lượng thịt và phụ phẩm sau giết mổ nhập khẩu của cả nước. Đứng thứ 2 là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD, chiếm tỷ trọng 23,4%; thị trường Úc đứng thứ 3 với hơn 8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13,4%, thị trường Brazil đứng thứ 4 với tỷ trọng 6,2%...
Phương Dung