"Bát nháo" kinh doanh vỉa hè, thất thu hàng chục tỷ đồng

(Dân trí) - Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết luận thanh tra vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội và TP.HCM, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm ở các đơn vị từ cơ quan quản lý đến đơn vị kinh doanh khiến cho Nhà nước bị thất thu hàng chục tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra vỉa hè, lòng đường đã nổi lên rất nhiều bất cập từ hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ và sai quy hoạch, một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng lại chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ… Theo Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), sai phạm nhiều nhất trong lĩnh vực này sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè .

Cấp phép kinh doanh trên phố... cấm!?

Với Hà Nội, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ Sở GTVT địa phương đã từng cấp cho Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được quyền trông xe dưới lòng đường phố Đào Tấn diện tích 174 m2, cách nút giao 10 m; hay giấy phép được phép trông giữ xe ôtô dưới lòng đường phố Đội Cung, Cao Đạt khi lòng đường tối thiểu không đủ 10,5 m2.
 
Hà Nội và TP.HCM có nhiều vi phạm trong công tác quản lý và cấp phép

Hà Nội và TP.HCM có nhiều vi phạm trong công tác quản lý và cấp phép
kinh doanh vỉa hè, lòng đường

Sở GTVT cũng đã cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Đồng Xuân trông giữ ôtô dưới lòng đường trên các phố Ngõ Gạch khi lòng đường chỉ rộng 5,8m, phố Hàng Bút lòng đường rộng 5,8m; phố Gia Ngư lòng đường rộng 5,7m; cấp Giấy phép cấp cho Công ty Cổ phần mặt trời mọc; công ty Anh Du; Đệ Nhất; Công ty khai thác điểm đỗ được phép trông giữ, dừng, đỗ xe ôtô dưới lòng đường phố Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh khi lòng đường tối thiểu cũng không đủ 10,5 m…

Không dừng lại ở việc cấp phép các tuyến đường chưa đủ chuẩn, Sở GTVT Hà Nội còn cấp giấy phép thuộc danh mục cấc tuyến đường, phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện trên hè phố, lòng đường theo quy định của Uỷ ban Nhân dân Thành phố tại văn bản số 796/UBND-GT ngày 6/2/2012 tại lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng, đường Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật (đối diện bệnh viện 108); điểm dừng, đỗ xe dưới lòng đường từ số 34-38 phố Hai Bà Trưng …

Chưa hết, tại UBND quận Hoàn Kiếm, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện quận này cấp giấy phép thuộc danh mục các tuyến đường, phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện cho Công ty cổ phần Đồng Xuân diện tích 144 m2 trên hè phố Cầu Gỗ; các điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên phố Hàng Buồm, Hàng Bồ; các điểm trông giữ ôtô trên hè phố Hàng Buồm, Hàng Bồ, Lãn Ông, Thuốc Bắc, Hàng Khoai…
 
Đơn vị quản lý thậm chí còn cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh trên cả phố cấm
Đơn vị quản lý thậm chí còn cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh trên cả phố cấm
(trong ảnh: trông giữ xe và kinh doanh giày dép lộn xộng trên phố Hàng Giấy)

Thống kê vi phạm của kết luận thanh tra Bộ chỉ ra rằng, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện diễn ra nhiều (4.861 trường hợp) nhưng số vụ chỉ xử lý quá ít (657 vụ chiếm 13,5%).

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GTVT, các lực lượng chỉ tập trung vào vi phạm dễ xử lý như: dừng đỗ phương tiện không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm ngược chiều. Công tác xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường ít được quan tâm vì khó xử phạt và mức phạt cao.

Hàng chục tỷ đồng rơi vào tay ai?

Việc cấp phép trông giữ phương tiện chồng chéo, không đúng thẩm quyền quy định đã làm cho tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường diễn ra phức tạp. Vi phạm kinh doanh vỉa hè từ tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí liên quan đến khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố lộn xộn dẫn đến việc Nhà nước thất thu tới vài chục tỷ đồng/năm… Và không rõ, số tiền đó rơi vào tay ai?

Từ kết luận Thanh tra Bộ GTVT cho thấy, việc quy định áp dụng không thống nhất mức thu phí sử dụng lòng đường vỉa hè của UBND TP.Hà Nội và TP.HCM đối với Công ty khai thác điểm đỗ xe được tính bằng 2% trên doanh thu hàng năm, các đơn vị còn lại nộp từ 10.000 đồng/m2/tháng đến 45.000 đồng/m2/tháng (tùy theo tuyến phố - PV) đã dẫn đến sự thiếu công bằng về nghĩa vụ nộp phí giữa các đợn vị.
 
Cụ thể, mức phí đã nộp năm 2011 bình quân của Công ty khai thác điểm đỗ xe chỉ trên dưới 1.000 đồng/m2/tháng; các đơn vị khác là trên 30.000đ/m2/tháng; theo đó tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên chi phí của khoản phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của doanh nghiệp đạt 50,2% trong khi các đơn vị còn lại chỉ khoảng 10%.
Kết luận thanh tra nêu rõ: “Từ quy định cho phép nộp theo 2% doanh thu, ước tính gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng năm ở Công ty khai thác điểm đỗ xe ít nhất từ 20 tỷ đồng/năm trở lên (tạm tính theo mức thu thấp nhất tại Quyết định 07 và 23 của UBND TP.Hà Nội là 10.000 đồng/m2/tháng: 204.448m2 x 10.000 đồng/m2/tháng x12 tháng = 24,5 tỷ đồng”.
 
Kiểu thu không giống ai ở Hà Nội và TP.HCM đã khiến Nhà nước
Kiểu thu "không giống ai" ở Hà Nội và TP.HCM đã khiến Nhà nước
thất thu hàng chục tỷ đồng

Ngoài ra, theo quy định thì chỉ UBND cấp tỉnh mới được ban hành văn bản quy định mức thu, quản lý và sử dụng số thu về phí sử dụng lòng, lề đường và phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô. Tuy nhiên, riêng tại Hà Nội, qua kiểm tra thì UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định số 1119/QĐ-UBND ngày 11/6/2010 về việc sử dụng nguồn thu phí sử dụng hè đường để trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô là không đúng thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

Trước tình hình này, Bộ GTVT đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng sớm thu hồi các giấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không phục vụ mục địch giao thông đã cấp không đúng quy định; khắc phục ngaycác tồn tại trong công tác này đồng thời báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội kết quả thực hiện trước ngày 15/8/2012.

Bộ GTVT cũng yêu cầu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2009/QĐ - UBND ngày 9/1/2009, Quyết định số 07/2010/QĐ - UBND ngày 25/1/2010 của UBND TP.Hà Nội để áp dụng thống nhất mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè với các công ty trên địa bàn thành phố nhằm phù hợp với chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ trong đó có dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô; bỏ hình thức thu lệ phí sử dụng lòng đường 2% trên doanh thu.

Quỳnh Anh