1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất ngờ việc 44 "ông lớn" Nhà nước đòi bổ sung vốn điều lệ hơn 7 tỷ USD

An Linh

(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp giám sát hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp năm 2019, Bộ Tài chính cho biết có 44 doanh nghiệp Nhà nước cần bổ sung vốn điều lệ hơn 7,2 tỷ USD.

Theo báo cáo ngày 21/9, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019, có 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 18 địa phương đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, trong đó điển hình như Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước.

Tổng số doanh nghiệp được đầu tư bổ sung vốn điều lệ là 88 doanh nghiệp, (trong đó có 53 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), 1 công ty cổ phần) thuộc bộ và cơ quan ngang bộ, và 34 doanh nghiệp thuộc địa phương.

Bất ngờ việc 44 ông lớn Nhà nước đòi bổ sung vốn điều lệ hơn 7 tỷ USD - 1

Nhiều DNNN cần gia tăng đầu tư vốn của Nhà nước, mục đích nhằm mở rộng kinh doanh, phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn là nhiều cơ quan chủ quản là Bộ, ngành đang khó khăn, bị kiểm chặt hoạt động đầu tư.

Về bổ sung vốn điều lệ với DNNN đang hoạt động, Bộ Tài chính cho biết, năm 2019, 85 doanh nghiệp đang hoạt động được đầu tư bổ sung vốn điều lệ là hơn 21.182 tỷ đồng. Lũy kế hết năm 2019, vốn lũy kế đầu tư bổ sung là gần 81.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn đến 44 doanh nghiệp cần phải bổ sung vốn điều lệ, trong đó có 24 doanh nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, với tổng vốn cần bổ sung là hơn 163.000 tỷ đồng; 20 doanh nghiệp thuộc khối địa phương, cần bổ sung với số vốn hơn 3.300 tỷ đồng.

Tổng số vốn điều lệ của 44 doanh nghiệp còn phải bổ sung gần 166.400 tỷ đồng (tương đương 7,2 tỷ USD).

Bộ Tài chính cho biết, nguồn bổ sung vốn điều lệ năm 2019 cho các DNNN đang hoạt động chủ yếu từ Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp hơn 10.162 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hơn 540 tỷ đồng; ngân sách trung ương hơn 3.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 3.000 tỷ đồng...

Theo Bộ Tài chính, qua quá trình tổng hợp, đến thời điểm tháng 9/2020 còn 3 cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa gửi báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 6 cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, dẫn đến việc tổng hợp khó khăn, chưa đầy đủ.

Cụ thể là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cùng Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam Yên Bái, Lào Cai vẫn chưa gửi các báo cáo đầy đủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp cho Bộ Tài chính.