Hàng chục nghìn tỷ đồng “lỗ nặng”, “nợ khủng” tại các đại dự án Nhà nước
(Dân trí) - Những con số báo cáo Quốc hội về tình hình nợ và thua lỗ của 12 đại dự án yếu kém hay tình trạng lỗ nặng ở “ông lớn” Vinachem… thu hút sự quan tâm của công chúng trong tuần qua.
12 đại dự án “đắp chiếu” hiện có số nợ, lỗ ở mức nào?
Trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực công thương, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã cập nhật thông tin về 12 dự án yếu kém.
12 dự án này gồm 4 dự án sản xuất phân bón, 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, 2 dự án sản suất thép, 1 dự án sản xuất sơ xợi polyester, 1 dự án sản xuất bột giấy và 1 doanh nghiệp công nghiệp tàu thủy.
Theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tổng nợ phải trả của 12 dự án này trên 63.000 tỷ đồng; số lỗ lũy kế hơn 26.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã yêu cầu Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020, nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021.
“Ông lớn” Vinachem báo lỗ nặng, loạt đại dự án gặp vấn đề
Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên năm 2020 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, Vinachem ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 18.128 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ đi các chi phí, Vinachem báo lỗ 796,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lãi hơn 218 tỷ đồng). Nếu tính riêng công ty mẹ thì khoản lỗ là gần 860 tỷ đồng.
Nêu ý kiến với báo cáo tài chính, Công ty Hãng Kiểm toán AASC đã lưu ý, tại thời điểm 30/6, dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý.
Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm, dự án Xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và dự án Mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. Còn Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.
Chưah hết, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc có nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu.
Những sự kiện này, cùng với một số vấn đề khác, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn “đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục” tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc.
“Cắt”, giảm hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư dự án sân bay Long Thành
Tổng mức đầu tư trong Báo cáo FS Dự án do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lập và Bộ Giao thông Vận tải trình (GTVT) là hơn 111,6 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 4,7 tỷ USD) được lập theo các quy định của Nghị định số 32/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định nhà nước đã xem xét tổng mức đầu tư dự án theo các quy định của Nghị định 32 trước đây và yêu cầu Bộ GTVT, ACV chỉ đạo Tư vấn lập Báo cáo FS rà soát, tính toán tổng mức đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị định số 68.
Kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư dự án được Tư vấn thẩm tra xác định theo Nghị định 32 là hơn 109,2 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.400 tỷ đồng (tương đương hơn 109 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nếu áp theo Nghị định 68, con số này là hơn 109,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.500 tỷ đồng (tương đương 114,3 triệu USD).
Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn thu xếp để thực hiện đầu tư dự án là 102.489,3 tỷ đồng.
Đại gia hàng không bị “thổi bay” gần 9.500 tỷ đồng lợi nhuận
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh mới đây về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2020, ông Vũ Thế Phiệt - Tổng Giám đốc ACV - cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ACV.
Sản lượng vận chuyển hành khách qua các cảng hàng không giảm 51 triệu khách, giảm 44% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch.
“Tổng doanh thu giảm 11.356 tỷ đồng tương ứng giảm 53%, trong đó doanh thu từ dịch vụ hàng không giảm đến 11.669 tỷ đồng tương ứng giảm 60%. Tổng lợi nhuận trước thuế cũng giảm gần 9.500 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 80% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch” - ông Phiệt nói.