Bất ngờ về Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI 2020 Việt Nam

(Dân trí) - Điểm CPI của Việt Nam hiện đang thấp hơn điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100), nhưng vẫn cao hơn một số quốc gia trong khu vực như Philippines, Lào, Myanmar và Campuchia.

Đầu năm 2021, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố bảng xếp hạng Cảm nhận tham nhũng (CPI) 2020 trên toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019 và đứng thứ 104/180. Chỉ số được đánh giá dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong về tham nhũng trong khu vực công.

Điểm CPI của Việt Nam hiện đang thấp hơn điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100), nhưng vẫn cao hơn một số quốc gia trong khu vực như Philippines, Lào, Myanmar và Campuchia.

Bất ngờ về Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI 2020 Việt Nam - 1

Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI của Việt Nam đạt 36/100.

Theo nhận định của tổ chức này, về mặt thống kê, việc giảm 1 điểm của Việt Nam so với năm 2019 là không đáng kể. Song, xét trên thang điểm 0-100 của CPI (trong đó điểm 0 thể hiện mức độ cảm nhận tham nhũng cao nhất và 100 là mức độ cảm nhận tham nhũng thấp nhất), năm 2020 Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có điểm dưới 50.

Điều này cho thấy tình trạng tham nhũng trong khu vực công vẫn được cho là nghiêm trọng ở Việt Nam.

Vài năm gần đây, điểm CPI của Việt Nam đã có xu hướng cải thiện theo hướng tích cực. Lý do theo Tổ chức Hướng tới minh bạch là bởi điều này phản ánh kết quả các nỗ lực của Đảng trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc truy tố, xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng lớn.

Thế nhưng, điểm số CPI 2020 cho thấy Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo kết quả sâu, rộng, đồng thời có thể tạo ra những bước tiến đột phá hơn trong thời gian tới.

Bất ngờ về Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI 2020 Việt Nam - 2

Bảng CPI của Việt Nam qua các năm (Nguồn: TI)

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc điều hành của Tổ chức Hướng tới minh bạch: "Trong năm 2020, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng khích lệ và tạo được sự đồng thuận lớn giữa Nhà nước và người dân trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 nhờ thông tin minh bạch và kịp thời. Điều này cho thấy, việc bảo đảm tính minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân là chìa khóa gắn kết xã hội, tăng cường niềm tin của người dân vào lãnh đạo, nhà nước và chính quyền."

Bà Viễn cho rằng kinh nghiệm này nên được áp dụng vào phòng, chống tham nhũng để thu được thành công một cách cơ bản, bền vững.