Bất ngờ tăng tỉ giá: Ai lợi, ai thiệt?
Việc tăng tỉ giá lần này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu lại “méo mặt”.
Hôm qua 19-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tiếp tục tăng thêm 1% tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ, nới biên độ tỉ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Ngay sau khi có quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tỉ giá mua vào - bán ra. Theo đó, tỉ giá mua vào ở mức trên 22.200 đồng/USD, bán ra phổ biến ở mức 22.350 - 22.380 đồng/USD. Một số ngân hàng điều chỉnh giá bán ra tăng lên tới 22.450-22.480 đồng/USD, tương ứng tăng 344-374 đồng/USD. Giá vàng SJC cũng tăng khoảng 500.000 - 600.000 đồng/lượng. Thị trường chứng khoán hôm qua cũng tuột dốc.
Chủ động dẫn dắt thị trường
Lý giải về động thái trên, NHNN cho rằng sau khi đã có điều chỉnh biên độ ngày 12-8, tiếp sau sự kiện đồng nhân dân tệ bị phá giá mạnh nhất trong vòng hai thập niên qua, thì tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất.
“Nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất, NHNN đã quyết định tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và nới biên độ tỉ giá từ +/-2% lên +/-3%”- NHNN nêu rõ.
Qua quyết định điều chỉnh trên, NHNN cũng cho rằng tỉ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Đồng thời tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Xuất khẩu dễ thở, nhập khẩu lo
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nói hiện nay thủy sản xuất khẩu ở nhiều thị trường gặp khó khăn vì đồng tiền ở các thị trường như EU, Nhật, Hàn đều giảm giá. Ví dụ: Xuất khẩu cá tra vào EU, trước đây 1 euro tương đương 1,3-1,4 USD, nay cũng 1 euro chỉ bằng 1,05 USD.
Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng cá tra ở nhiều thị trường, trong đó có EU vẫn diễn ra bình thường. Song do biến động tỉ giá của đồng euro so với USD - đồng tiền thanh toán chính trong các hợp đồng mua bán - nên phía EU “ép” giá doanh nghiệp (DN) Việt Nam, buộc phải hạ giá bán xuống 10%-15% mới đồng ý mua.
Mặt khác, đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan… giảm giá mạnh. Đặc biệt đồng tiền của Ấn Độ đã mất giá khoảng 10% giá trị so với USD trong năm 2014. Vì vậy, giá thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phải bán cao hơn tương đối so với giá thủy sản cùng loại tại các thị trường này dẫn đến khó cạnh tranh.
“Do vậy, NHNN tăng tỉ giá là động thái kịp thời hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của DN trong nước. Từ đó DN có thể mạnh dạn chào bán sản phẩm với giá tốt hơn, còn cột chặt tỉ giá sẽ tạo thêm khó khăn cho DN xuất khẩu” - ông Hòe nhận xét.
Tán đồng với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, nhìn nhận động thái điều chỉnh tỉ giá của NHNN có lợi cho DN xuất khẩu nông sản. Như sản phẩm gạo 5% tấm xuất khẩu, trước khi chưa nới tỉ giá, giá vốn khoảng 340 USD/tấn. Nay với việc nới biên độ lên +/-3% thì giá vốn của loại gạo này còn 335 USD/tấn. “Đây là tin tốt đối với ngành xuất khẩu gạo Việt Nam để có thể cạnh tranh với các nước”.
Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho rằng: “Đối với DN nhập khẩu nguyên vật liệu hóa chất ngành cao su, nhựa… từ Trung Quốc thì việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp họ mua được nguyên liệu với giá rẻ. Nhưng khi Việt Nam tăng tỉ giá thì DN nhập khẩu phải mua nguyên liệu với giá cao, làm tăng chi phí sản xuất”.
Không chạy theo “cuộc chiến” tỉ giá
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc NHNN quyết định tăng tiếp 1% tỉ giá, nới biên độ lên +/-3% là do yêu cầu khách quan.
“Nếu cứ giữ tỉ giá như trước thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường thứ ba sẽ giảm sức cạnh tranh. Bởi vậy động thái tăng tỉ giá vừa để bù đắp phần thâm hụt ở thị trường thứ ba trong xuất khẩu, vừa dựng lên một hàng rào kỹ thuật để hạn chế việc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước” - TS Anh phân tích.
Về lo ngại đối với lạm phát sẽ tăng khi điều chỉnh tỉ giá, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng lạm phát của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, trong khi tỉ giá lại liên quan chặt chẽ đến lãi suất. Chính vì thế, việc điều chỉnh tỉ giá sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát.
GS Nguyễn Đức Khương, Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris (Pháp), thì phân tích việc NHNN tiếp tục tăng tiếp 1% tỉ giá, nới biên độ lên +/-3% là phù hợp với hiện tại. “NHNN đã quyết định nới rộng biên độ tỉ giá tiền đồng so với đôla Mỹ để thị trường có khả năng ứng phó linh hoạt với các biến động không dự báo trước trên thị trường ngoại hối. Đây là quyết định đúng thời điểm nhằm đảm bảo tính ổn định trên thị trường và niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách kinh tế vĩ mô” - ông Khương nói.
Tuy vậy, GS Khương nhấn mạnh: “Về lâu dài để không bị ảnh hưởng vào biến động tỉ giá nhân dân tệ, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần có chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách cân bằng xuất khẩu sang các thị trường khác. Đặc biệt, phải căn cứ vào biến động của đồng USD, một loại ngoại tệ mạnh để điều hành tỉ giá cho phù hợp. Tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá nhân dân tệ và Việt Nam cần phải có đối sách thương mại căn cơ hơn là chạy theo cuộc chiến về tỉ giá” - GS Khương khuyến cáo.
Cũng theo GS Khương, thực tế một trong những lo ngại của các nhà đầu tư vào Việt Nam là vấn đề tỉ giá. Sự biến động của tỉ giá ít nhiều ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của họ. Chính vì thế, cần thận trọng trong vấn đề điều hành tỉ giá.
Đồng lương phải trả tăng lên
Việc tăng tỉ giá có lợi cho hoạt động xuất khẩu, kích thích nền sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, vì mỗi đồng USD bán hàng xuất khẩu khi quy đổi sang tiền Việt Nam sẽ thu được nhiều tiền hơn.
Việc điều chỉnh tỉ giá cũng sẽ giúp cho ngành du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách nước ngoài hơn, vì phần lớn du khách sử dụng đồng USD, nên khi quy đổi sang tiêu dùng tiền Việt Nam tại Việt Nam thì giá vé máy bay, khách sạn và hàng hóa, dịch vụ cũng trở nên rẻ hơn.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỉ giá lại ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động nhập khẩu, vì sẽ phải bỏ ra nhiều tiền Việt Nam hơn để quy đổi sang đồng USD phục vụ cho việc mua hàng của nước ngoài. Ngay đồng lương mà DN phải trả cho người nước ngoài cũng dễ bị tăng lên bằng tiền Việt Nam để bảo đảm giá trị tương đương với số tiền lẽ ra phải trả bằng USD.
Ngoài ra, cũng phải tăng khá nhiều số lượng tiền Việt Nam để quy đổi ra một khối lượng USD rất lớn để trả nợ nước ngoài.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
Bài toán kinh tế vĩ mô trong thời điểm này cần được tính toán toàn diện giữa sản xuất trong nước và xuất khẩu. Không thể liên tục dùng biện pháp điều chỉnh tỉ giá để bình ổn thị trường tiền tệ và thương mại, bởi bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Điều chỉnh nhiều, tỉ lệ lạm phát có thể sẽ tăng, dẫn đến sự bền vững của nền kinh tế không được đảm bảo.
TS Nguyễn Tú Anh
Theo Chân Luận - Trà Phương - Quang Huy
Pháp Luật TPHCM