1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Điều chỉnh tỷ giá: Sẽ không tác động nhiều tới nhập siêu, lạm phát

(Dân trí) - BVSC cho rằng, lo ngại về nhập siêu gia tăng mạnh trong 5 tháng cuối năm sẽ không quá lớn và tác động của VND giảm giá đến lạm phát cũng được đánh giá là sẽ không đáng kể, chủ yếu nằm ở phần nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như ô tô, điện thoại, hàng điện tử.

Sáng nay 19/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày hôm nay (19/8) từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%).

Biên độ tỷ giá cũng được điều chỉnh tăng từ +/-2% lên +/-3% sau khi tăng từ +/-1% lên +/-2% vào hôm 12/8 mới đây.

Như vậy, đây là lần thứ 3 trong năm, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, với mức tăng tương ứng 3%. Trước đó, NHNN đã 2 lần tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Lần thứ nhất ngay đầu năm, tỷ giá từ 21.246 VND lên 21.458 VND. Lần thứ hai vào ngày 7/5, tỷ giá cũng tăng 1%, lên 21.673 VND.

ty-gia-cba82
Động thái điều chỉnh lần này của NHNN được đánh giá là sẽ xoa dịu sức ép phải can thiệp vào thị trường tiền tệ của NHNN.

Động thái điều chỉnh lần này của NHNN được đánh giá là không quá bất ngờ trong bối cảnh đồng nhân dân tệ liên tục mất giá trong thời gian qua, đồng thời sẽ xoa dịu sức ép phải can thiệp vào thị trường tiền tệ của NHNN, từ đó tránh được phần nào việc rút tiền từ kho dự trữ ngoại hối.

Trong báo cáo mới phát hành, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ sẽ không bị tác động nhiều trong khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực nhờ sự linh hoạt, kịp thời điều chỉnh của NHNN.

Tác động không đáng kể tới nhập siêu, lạm phát

Theo đánh giá của BVSC, lo ngại về nhập siêu gia tăng mạnh trong 5 tháng cuối năm sẽ không quá lớn do sự mất giá của Nhân dân tệ và VND so với USD hiện nay là gần tương đương nhau (3% so với 2,7%) nên hiệu ứng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ đi khó diễn ra.

Với cơ cấu kinh tế như hiện nay, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 16 tỷ USD chiếm tới 38% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước bao gồm các mặt hàng máy móc thiết bị (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 32%); linh kiện điện từ (nhập từ Trung Quốc chiếm 17%); nguyên phụ liệu dệt may da giày (nhập từ Trung Quốc chiếm 21,5%)…

Về tác động đến lạm phát, một tỷ trọng lớn hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của Việt Nam là từ Trung Quốc (mà tương quan tỷ giá giữa VND và Nhân dân tệ không thay đổi quá nhiều). Một số thị trường nhập khẩu lớn khác của Việt Nam như Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng có đồng nội tệ giảm giá so với USD thời gian vừa qua nên sẽ không làm cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá nhiều. Còn lại các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phần lớn nhập từ Mỹ, Nhập Bản và EU.

Do vậy, tác động của việc VND giảm giá đến lạm phát được đánh giá là sẽ không đáng kể và chủ yếu nằm ở phần nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như ô tô, điện thoại, hàng điện tử…Hiện các mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng 

BVSC cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường đã có dấu hiệu chạm đáy vào tháng 5 và bắt đầu tăng nhẹ trở lại kể từ tháng 6. Việc giảm giá dồn dập VND sẽ càng củng cố cho xu hướng này. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, phản ứng kịp thời và quyết liệt của NHNN sẽ giúp dập tắt tâm lý kỳ vọng tiếp tục phá giá VND, từ đó hạn chế các hoạt động đầu cơ.

Mặc dù vậy, để giữ vững niềm tin của người người gửi tiền vào VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng thêm quanh mức 0,5% trong thời gian tới.

Theo BVSC, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong ngắn hạn có thể sẽ bị ảnh hưởng nhất định do lo ngại của khối ngoại trước rủi ro biến động tỷ giá.

Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng ba tuần liên tiếp gần đây trên thị trường trái phiếu với giá trị bán ròng đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy vậy, về mặt dài hạn, BVSC cho rằng, quyết định chủ động giảm giá VND của NHNN lại có tác dụng xóa bỏ kỳ vọng tỷ giá còn tiếp tục tăng, hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ, giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn trong các quyết định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Phương Dung

Điều chỉnh tỷ giá: Sẽ không tác động nhiều tới nhập siêu, lạm phát - 2