"Bắt mạch" nguyên nhân khiến thuế môi trường xăng dầu lên kịch khung

(Dân trí) - Giới phân tích đánh giá, lạm phát và thâm hụt ngân sách được cho là hai yếu tố chính khiến thuế môi trường với xăng dầu được điều chỉnh tăng lên kịch khung, đặc biệt là khi dư địa cho chính sách tài khóa đang rất eo hẹp khi nợ công tiến gần tới mức tối đa cho phép nhưng ngân sách Nhà nước hàng năm vẫn tiếp tục thâm hụt.

Như tin đã đưa, ngày 20/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm sau (1/1/2019).

Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít từ mức 3.000 đồng/lít. Với dầu hỏa, tăng lên 1.000 đồng/lít từ mức 300 đồng/lít hiện nay. Thuế môi trường lên các mặt hàng dầu nhờn, mỡ, mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít từ mức 900 đồng/lít.

Điều chỉnh tăng thuế môi trường với xăng dầu có thể đóng góp 15.700 tỷ đồng vào ngân sách công mỗi năm, tương đương 1,5% tổng thu từ thuế và phí
Điều chỉnh tăng thuế môi trường với xăng dầu có thể đóng góp 15.700 tỷ đồng vào ngân sách công mỗi năm, tương đương 1,5% tổng thu từ thuế và phí

Trong báo cáo phân tích mới nhất mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thông tin đã gây bất ngờ khi trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm hoãn thông qua vào kỳ họp tháng 7 do lo ngại lạm phát.

Từ góc nhìn của giới phân tích chứng khoán, VDSC nhận định, lạm phát và thâm hụt ngân sách là hai nguyên nhân chính.

Đầu tiên, việc Nghị quyết mới sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm 2019 gợi nhắc lại diễn biến tăng giá điện vào tháng 12 năm trước. Rõ ràng, thời điểm của những đợt tăng giá này mang hơi hướng kỹ thuật nhằm chuyển tác động lên lạm phát sang năm kế tiếp.

Trong các năm gần đây, Việt Nam đang ghi nhận xu hướng hồi phục rõ rệt của lạm phát bắt nguồn từ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng chịu sự quản lý của Nhà nước.

Năm 2018, áp lực lạm phát khá lớn và dao động quanh mức mục tiêu 4% của Quốc hội. Giá thực phẩm cao hơn do lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết cùng với diễn biến khó lường của giá dầu thô trên thị trường thế giới đóng vai trò quan trọng trong phần còn lại của năm. VDSC ước tính, lạm phát chung của Việt Nam sẽ tăng 4,1-4,2% trong năm 2018.

Liên quan tới ngân sách công, theo VDSC, dư địa cho chính sách tài khóa đang rất eo hẹp khi nợ công tiến gần tới mức tối đa cho phép nhưng ngân sách Nhà nước hàng năm vẫn tiếp tục thâm hụt.

Áp lực tái cân bằng ngân sách công đang gia tăng khi bức tranh kinh tế thế giới thay đổi. Trong khi Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP đứng đầu khu vực, những cam kết cắt giảm thuế xuất-nhập khẩu theo sau các hiệp định thương mại tự do đang tác động tiêu cực tới nguồn thu.

Tăng giá điện và tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thể hiện rõ diễn biến tăng thu ngân sách và giảm trợ cấp. Điều chỉnh tăng thuế môi trường với xăng dầu có thể đóng góp 15.700 tỷ đồng vào ngân sách công mỗi năm, tương đương 1,5% tổng thu từ thuế và phí.

“Rõ ràng, quá trình tái cân bằng ngân sách công thông qua tăng thu và giảm chi phải diễn ra”, chuyên gia phân tích của VDSC nhìn nhận.

Theo đó, Chính phủ vẫn còn thời gian để củng cố bức tranh tài chính công trước khi đối mặt với gánh nặng trả nợ lớn trong 3 năm tới. Xác định thời gian thi hành chính sách nhằm hạn chế tác động tới tiêu dùng và lạm phát là yếu tố quan trọng.

Tuy nhiên, theo VDSC, tâm lý chi tiêu của người dân, tiêu dùng chiếm hơn 2/3 tổng GDP, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tăng thuế và giảm trợ cấp với các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ khám chữa bệnh, điện… sẽ tăng gánh nặng lên chi tiêu của từng hộ gia đình.

Bích Diệp

"Bắt mạch" nguyên nhân khiến thuế môi trường xăng dầu lên kịch khung - 2