Bộ Công Thương: Cần có lộ trình, chưa nên tăng ngay thuế môi trường với xăng!

(Dân trí) - “Việc tăng thuế bảo vệ môi trường cần phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng như thế…”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói tại Hội nghị giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra ngày 9/7.

Bộ Công thương đề xuất không tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Bộ Công thương đề xuất không tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Tại hội nghị ngành ngày 9/7, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng. Đây là đầu vào của các mặt hàng khác trong sản xuất kinh doanh và cả tiêu dùng. Thời gian qua, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã liên tục sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng, có nghĩa là mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng. Do vậy theo ông Hải, nhân hôm nay xin ý kiến Bộ trưởng trong cuộc họp với Ban chỉ đạo hành giá sẽ đề nghị không đưa ngay việc tăng giá này.

“Nếu trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu mà khả năng cao sẽ thực hiện từ 1/10, tôi xin đề nghị Chính phủ trước hết không đưa việc tăng giá 1.000 đồng này vào giá xăng dầu. Còn nếu có phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng ngay một lúc 1.000 đồng như thế sẽ có tác động rất lớn”, ông Hải đề xuất.

Trước đó, theo tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, mức thuế đối bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng được Bộ Tài chính đề nghị mức kịch trần là 4.000 đồng mỗi lít, tăng 1.000 đồng so với hiện hành. Còn mặt hàng dầu là 2.000 đồng mỗi lít, tăng 1.100-1.700 đồng/lít so với mức hiện hành.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tăng như đề xuất trên, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp. Bởi, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.

Đề xuất này ngay sau đó vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, không ít chuyên gia đã lên tiếng phản đối. Về cơ quan chủ quan cùng với Bộ Tài chính điều hành mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cũng cho rằng, đề xuất tăng thuế với mặt hàng xăng dầu cần được xem xét, tính toán cẩn trọng do xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (E5, E10) thay thế các loại xăng không chì, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu trong nước không biến động lớn gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc tăng thuế đối với nhóm hàng hoá xăng, dầu mỡ nhờn có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vận tải và một số ngành sản xuất.

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thuyết minh làm rõ việc tăng thuế này có tác động như thế nào đến từng ngành sản xuất cũng như hoạt động sản xuất điện và hoạt động kinh doanh vận tải để đảm bảo tính khả thi...

Tại buổi công bố báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm diễn ra mới đây, phía Tổng cục Thống kê đã thông tin việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cùng với đà tăng thế giới của mặt hàng này sẽ đẩy giá cả cuối năm lên. Tính toán cho thấy, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ khiến CPI cuối năm tăng từ 0,27 – 0,29%. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát là rất lớn.

Nguyễn Khánh

Bộ Công Thương: Cần có lộ trình, chưa nên tăng ngay thuế môi trường với xăng! - 2