Ngân hàng thắt van tín dụng:

Bất động sản “liệt”: Cắt lỗ...vượt khó

Trước tình hình các ngân hàng (NH) siết lại tín dụng đối với thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là bán cắt lỗ, lấy tiền trả khoản vay góp vốn trước đó.

Bất động sản “liệt”: Cắt lỗ...vượt khó  - 1
Lượng khách giao dịch ở các sàn bất động sản thưa thớt dần.
 
Trong khi đó, những người mua căn hộ để ở, chủ yếu là căn hộ giá trung bình với giá trị thấp, xoay xở bằng cách... vay mượn từ người quen.

 

Trả lại hàng

 

Đầu tháng 5/2011, anh Bình mang đơn và hồ sơ đến chủ đầu tư xin... trả lại hai lô đất nền một dự án tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Sau khi thương lượng, mặc dù được chủ đầu tư chấp nhận cho trả chậm và không thu lãi phạt nhưng anh Bình vẫn kiên quyết chọn phương án ngừng hợp đồng.

 

“Tôi đã xoay xở hết cách nhưng vẫn không đào đâu ra tiền để tiếp tục góp theo hợp đồng...” - anh Bình nói.

 

Không thuyết phục được anh Bình, chủ đầu tư chấp nhận phương án ngưng hợp đồng với điều kiện chỉ hoàn trả tiền sau khi các hợp đồng góp vốn này tìm được người chuyển nhượng lại, theo kiểu lời ăn lỗ chịu.

 

Hai lô đất (diện tích 8x20m/lô) được anh Bình mua từ chủ đầu tư với giá 12,8 triệu đồng/m2, tổng giá trị hai hợp đồng gần 4,4 tỉ đồng, anh đã góp được 40%. Tương tự, nhiều khách hàng tìm gặp chủ đầu tư hoặc chủ sàn bất động sản là nhà đầu tư cấp 2 để thương lượng ngưng hợp đồng do không xoay được tiền vì NH đã thắt van tín dụng.

 

Với những nhà đầu tư lớn mua đến hàng chục nền đất hoặc căn hộ tại một dự án, việc thu hẹp đầu tư là phương án được nhiều người lựa chọn.

 

Anh Minh, đang góp vốn mua 15 căn hộ của một dự án giá trung bình tại Q.7, cho biết đã được chủ đầu tư gọi đến và đề nghị thương lượng lại giá với điều kiện phải tiếp tục góp vốn.

 

Tuy nhiên, theo đề nghị của anh Minh, chủ đầu tư chấp nhận lấy lại 10 căn với điều kiện toàn bộ số tiền hơn 6 tỉ đồng vốn đã góp cho 15 hợp đồng ban đầu phải được dồn trả hết cho năm căn hộ mà anh Minh giữ lại.

 

Từ chối khách hàng

 

Trong khi các nhà đầu tư tìm cách để cắt lỗ trước tình hình thị trường bất động sản đóng băng, thì nhiều NH đang phải xoay xở để giảm dư nợ tín dụng bất động sản.

 

Hai năm trước, rất nhiều dự án bất động sản được NH cam kết tài trợ 80%, thậm chí 90% cho người mua căn hộ, thời gian cho vay kéo dài đến 25 năm, nhưng hiện nay các NH lại đưa ra hàng loạt điều kiện ngặt nghèo nhằm từ chối khéo khách hàng.

 

Tổng giám đốc một NH cổ phần tại Q.1 cho biết với người mua mới, NH chỉ còn cho vay 50%, thậm chí 40% giá trị căn hộ, thời gian cho vay chỉ còn 10 năm. “Đây là hàng rào kỹ thuật để tránh giải ngân vì người đi mua căn hộ ít khi nào có đến 50-60% số tiền mua căn hộ mà chủ yếu dựa vào vốn NH” - vị tổng giám đốc này nói.

 

Theo các NH, do các điều kiện cho vay mà NH đưa ra quá ngặt nghèo nên hai tháng nay rất ít khách hàng được NH duyệt hồ sơ cho vay. Giải pháp mà nhiều NH áp dụng là tăng lãi suất. Chủ tịch hội đồng quản trị một NH cổ phần cho biết dư nợ cho vay phi sản xuất của NH trong thời gian gần đây giảm từ 40% xuống 29% nhờ... tăng lãi suất.

 

Mức lãi suất cho vay hiện nay lên đến 25%/năm, gấp đôi so với hai năm trước, do vậy nhiều khách hàng cá nhân không cầm cự nổi đành phải vay nợ người thân để trả trước hạn. Với chủ đầu tư, NH cũng gửi thông báo trước kỳ điều chỉnh lãi suất khoảng một tháng để bên vay cân nhắc, nếu không kham nổi lãi suất thì phải tìm nguồn khác để trả bớt nợ.

 

Ngoài ra theo các NH, cũng có giải pháp để giảm dư nợ phi sản xuất là đẩy mạnh cho vay sản xuất nhưng giải pháp này khó thực hiện do NH Nhà nước yêu cầu các NH phải duy trì mức tăng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt năm 2011. Doanh nghiệp sản xuất cũng không dám vay vì lãi suất hiện nay quá cao.

 

Gần đây một số NH bị vượt tỉ lệ dư nợ phi sản xuất đàm phán với các NH có tỉ lệ dư nợ phi sản xuất thấp để mua bán nợ với kỳ hạn 7-8 tháng. Đến hạn các NH mua lại khoản nợ đó cộng với khoản phí.

 

Tuy nhiên, thực tế không dễ làm theo cách này do các NH còn dư địa cho vay phi sản xuất ưu tiên vốn cho những mối quan hệ của NH mình hơn là hợp tác chia sẻ với NH khác.

 

Theo Hải Đăng - Ánh Hồng

Tuổi trẻ