“Bắt bệnh” để phát triển thị trường BĐS
(Dân trí) - “Nhiều địa phương phát triển BĐS tràn lan, tự phát, thiếu định hướng. Điều này dẫn đến tình trạng “đóng băng” cục bộ của thị trường tại một số địa phương” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định
40 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản
Tại Hội thảo quốc tế Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản vừa diễn ra tại Hà Nội với hơn 10 nước tham dự, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chia sẻ nhiều thông tin về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) của Việt Nam.
Thị trường BĐS bộc lộ nhiều khiếm khuyết (ảnh minh họa)
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tăng trưởng tín dụng đối với oạt động kinh doanh BĐS đảm bảo tương đối ổn định. Tính đến tháng 7/2010, tổng dự nợ cho vay BĐS đạt khoảng 210.770 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Lĩnh vực kinh doanh BĐS tiếp tục thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả thống kê cho thấy, cuối năm 2009, cả nước có gần 500 dự án BĐS có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký trên 40 tỷ USD. Nhiều dự án lớn trong đó tập trung vào các khu resort nghỉ dưỡng, khách sạn.
Tính đến đầu năm 2010, Việt Nam đã có 98 resort đăng ký hoạt động, với 8.150 phòng, trong đó có 60 resort đã được xếp hạng (6 resort đạt 5 sao, 27 resort đạt 4 sao, 20 resort đạt 3 sao, 3 resort 2 sao và 4 resort 1 sao). Khu vực tập trung nhiều resort là Mũi Né (Bình Thuận) với 68 resort đang hoạt động.
Hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng nhà đất tại các dự án nhà ở, dự án khu đô thị có hệ thống hạ tầng đồng bộ, có chất lượng nhà ở và môi trường tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn thu hút được khách hàng và lượng giao dịch thực tế vẫn đạt tỷ lệ tương đối cao. Nhu cầu thuê văn phòng, trụ sở làm việc ngày càng tăng.
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung, hoạt động giao dịch BĐS trong thời gian tới được dự báo tiếp tục phát triển, đặc biệt là đối với các loại BĐS là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở.
"Bắt bệnh" thị trường để phát triển ổn định
Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu trong công nghiệp xây dựng và phát triển thị trường BĐS như: tăng mạnh cả về chất lẫn về lượng các dự án, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, vốn đầu tư ngày càng tăng… song theo ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Thị trường BĐS Việt Nam vẫn bộc lộ những khiếm khuyết và chưa thực sự ổn định, còn tồn tại nhiều bất cập cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề".
Điển hình là việc phát triển thị trường nhà đất ở Việt Nam còn mang tính tự phát, thiếu chiến lược, kế hoạch cụ thể. Thời gian vừa qua, thị trường phát triển chưa đảm bảo cân đối.
Các nhà đầu tư mới chỉ quan tâm đối với các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới để bán cho những người có thu nhập cao. Trong khi đó, các dự án nhà ở để bán trả dần hoặc cho thuê dành cho người thu nhập thấp chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, dự án BĐS chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực trung tâm đô thị. Quy mô cũng như cơ hội đầu tư của thị trường thì chưa thực sự đồng đều ở các địa phương.
Không những vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị hiện có với các khu đô thị mới, khu dân cư, khu nhà ở còn nhiều bất cập, làm giảm sức hút và quy mô của thị trường BĐS.
Mặt khác, ông Nam khẳng định, nhiều địa phương phát triển BĐS tràn lan, tự phát, thiếu định hướng. Điều này dẫn đến tình trạng “đóng băng” cục bộ của thị trường tại một số địa phương. Thực tế cho thấy, có nhiều dự án kinh doanh BĐS bị đình trệ hoặc triển khai chậm so với tiến độ.
Lý giải cho thực trạng trên, ông Nam cho rằng chủ yếu là do chủ đầu tư dự án chưa đánh giá đúng nhu cầu của thị trường. Hoặc chủ đầu tư thiếu năng lực và khả năng huy động tài chính hoặc gặp khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Đặc biệt là tính minh bạch của thị trường BĐS còn nhiều hạn chế, thể hiện ở tất cả các khâu từ đầu tư, tạo lập BĐS cho đến mua bán, cho thuê nhà đất. Việc đấu giá, đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư chưa hiệu quả.
Thậm chí, nhiều địa phương chưa thực hiện chuyển nhượng nhà đất qua sàn giao dịch BĐS, tính cạnh tranh trên thị trường thấp. Tình trạng đầu cơ, mua bán “ngầm”, trốn lậu thuế khá phổ biến, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Điều này dẫn đến sự hoạt động của thị trường thiếu bền vững...
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, việc nhận thức về bản chất, vai trò và vị trí của thị trường bất động sản trong nền kinh tế còn hạn chế, hệ thống quản lý bất động sản từ trung ương đến địa phương chưa đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ.
Một số yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển của thị trường bất động sản như vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng công trình còn thiếu gắn kết, chưa đảm bảo thống nhất dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác phát triển và quản lý thị trường bất động sản.
Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, để tạo được một thị trường bất động sản phát triển bền vững, trong thời gian tới cần có các giải pháp tổng thể liên quan đến quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai, tài chính, thuế bất động sản, thị trường và dịch vụ bất động sản, chính sách điều tiết thị trường bất động sản.
Lan Hương