Bàn về gói phục hồi, đại biểu Quốc hội "sốt ruột" lo chưa qua vòng thủ tục

Nguyễn Mạnh Văn Hưng

(Dân trí) - Bàn về gói hỗ trợ, đại biểu Quốc hội cho biết, chúng ta thông qua một cách khẩn trương nhất, nhưng đến nay có vẻ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm.

Gói hỗ trợ, kích thích chậm đi vào cuộc sống, cần truy trách nhiệm

Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm nay.

Phát biểu thảo luận tại phiên sáng, đại biểu Quốc hội Thị Yên (Điện Biên) bày tỏ sự băn khoăn khi việc giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch 2 với quy mô gần 350.000 tỷ đồng còn chậm.

"Chúng ta thông qua một cách khẩn trương nhất nhưng đến nay có vẻ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm", đại biểu Yên nói.

Bàn về gói phục hồi, đại biểu Quốc hội sốt ruột lo chưa qua vòng thủ tục - 1

Đại biểu Quốc hội Thị Yên (Điện Biên) (Ảnh: Quốc Chính).

Đại biểu nêu thực tế giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề cập đến số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân được còn rất lớn, trong đó có các chương trình  mục tiêu quốc gia. Trong khi đó, đồng bào các vùng sâu vùng xa rất mong chờ các chương trình mục tiêu quốc gia này.

Ngoài ra, đại biểu cũng băn khoăn khi giải ngân vốn vay ODA cũng chỉ đạt kế hoạch 32,85%, nhiều bộ ngành dưới 20%. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, chậm khắc phục. Việc giải ngân nguồn vốn ngoài nước phát sinh nhiều vấn đề, gây lãng phí, kém hiệu quả, đại biểu Yên nhấn mạnh.

"Tiền đầu tư chủ yếu là đi vay, chịu lãi suất, phía quản lý, do đó giải ngân chậm thì tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư sử dụng vốn", bà Yên lo ngại.

Trước thực tế nêu trên, đại biểu Yên cho rằng cần chỉ ra trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sự chậm trễ, để các quyết sách của Nhà nước có hiệu lực hiệu quả rõ rệt, đáp ứng mong đợi người dân.

Ngoài ra, bà cũng đề cập tới một số biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, mua sắm thiết bị y tế… thời gian qua.

Vấn đề này theo bà Yên, do một số cá nhân thao túng thị trường và sự kém minh bạch thông tin. Những cá nhân này đã vướng lao lý lại kéo theo nhiều cán bộ quản lý Nhà nước. Câu hỏi đại biểu đặt ra là làm thế nào họ thực hiện được những giao dịch này dù rất "không bình thường".

Giá cả tăng cao, gây khó khăn cho người dân

Nêu ý kiến trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng trăn trở khi nhiều quyết sách trong phục hồi chưa đi vào cuộc sống, doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng hỗ trợ.

Cụ thể, về gói hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hành thương mại với doanh nghiệp, hợp tác xã, bà Tâm cho biết, người dân và doanh nghiệp đã rất kỳ vọng. Tuy nhiên, Nghị định ban hành tương đối chậm. Do vậy, trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị NHNN đề nghị linh hoạt, quyết liệt, kịp thời hướng dẫn các NHTM.

Bà Tâm nêu thực tế tại Quảng Bình, nhiều cơ sở du lịch nhỏ chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để hoạt động dù đang mùa cao điểm, phục hồi tốt. Do vậy, nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện thì theo đại biểu, sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng không dám cho vay, lãng phí cơ hội phục hồi của nhiều ngành. Đại biểu đề nghị ngân hàng cần linh hoạt cho vay thông qua tín chấp.

Cũng theo đại biểu Tâm, việc miễn giảm thuế phí, đất đai vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều này làm cho các kế hoạch ban hành khó có tính khả thi khi 2 năm thực hiện gói hỗ trợ (2022-2023) ngày càng ngắn.

"Gần đây thôi, người dân, doanh nghiệp phấn khởi khi Nghị quyết 43, 11 được thông qua và kỳ vọng tạo động lực phục hồi. Tuy nhiên những kỳ vọng giảm dần khi triển khai còn vướng mắc", địa biểu Tâm cho rằng, cần sự quyết liệt, sự hỗ trợ kịp thời hơn nữa.

Trong khi đó, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh giá một số mặt hàng có tác động đến sản xuất, kinh doanh.

"Cử tri phản ánh nhiều giá cả sinh hoạt gia tăng liên tục, giá xăng tăng cao. Giá đầu vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao. Các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực. Do vậy đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá với các mặt này, ổn định đời sống", đại biểu Hương nêu.

Chống những hành vi thao túng, thông tin bịa đặt, mập mờ

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng nhìn nhận bên cạnh mặt tích cực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vẫn tồn tại sự chậm trễ trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch. Các chính sách còn chồng chéo trong một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đầu tư…

"Chính sách tài khóa tiền tệ phục hồi phát triển kinh tế đi vào thực tiễn còn nhiều bất cập, tính kịp thời, thủ tục giải quyết chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Nhiều doanh nghiệp, người lao động, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh chậm được thụ hưởng", đại biểu Phương trăn trở.

Cũng theo đại biểu, các yếu tố đầu vào của sản xuất và đầu ra của nhiều loại mặt hàng hóa vẫn còn phụ thuộc lớn vào một thị trường. Từ đầu năm đến nay, nguồn cung đầu vào của sản xuất liên tục bị đứt gãy, giá cả tăng cao, nông sản bị ứ đọng nhiều.

"Không thể kêu gọi giải cứu hàng hóa mãi, phải có giải pháp từ việc quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Nông nghiệp vẫn thể hiện rõ tình trạng sản xuất manh mún, nông hộ, truyền thống, tự phát", ông Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Tây Ninh chỉ ra việc lợi dụng phòng chống dịch, xuất hiện tình trạng tham nhũng; tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu, hàng giả, hàng lậu; thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán; thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh…

Về giải pháp, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề xuất đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao bộ máy quản lý một cách thực chất; điều chỉnh bổ sung chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới kỹ thuật công nghệ, cơ sở kinh tế; có giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước.

"Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu, chứng khoán có nhiều biến động theo chiều hướng bất lợi, chủ yếu đến từ tâm lý nhà đầu tư, bởi vậy cần có giải pháp kết hợp, kiên quyết đấu tranh chống những hành vi thao túng, thông tin bịa đặt, mập mờ", ông Phương nói.