1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bao giờ Quốc hội họp, bàn về gói phục hồi kinh tế?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đang được Chính phủ khẩn trương xây dựng, có thể sẽ trình Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào cuối năm nay hoặc đầu tháng 1 tới.

Bao giờ Quốc hội họp, bàn về gói phục hồi kinh tế? - 1

Gói hỗ trợ kích thích kinh tế là vấn đề được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm hiện nay.

Quốc hội chưa nhận được Chương trình phục hồi kinh tế

Sau 16 ngày làm việc, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khép lại, hoàn thành các chương trình đề ra.

Chia sẻ với báo chí ngày 13/11, bà Đoàn Thị Thanh Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết hiện Quốc hội chưa nhận được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình sang.

Tuy nhiên bà Mai cho rằng, Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội phải gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025); đồng thời có lộ trình phù hợp trên cơ sở đánh giá toàn diện những tác động của đại dịch Covid -19, các xu hướng đầu tư kinh doanh sau đại dịch…

Hiện Chương trình này đang được khẩn trương xây dựng. Bà Mai cho biết, nếu kịp sẽ trình Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào cuối năm nay hoặc đầu tháng 1 năm tới.

Về nội dung ưu tiên, bà Mai cho rằng, cần tập trung bố trí nguồn lực, có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.

Đồng thời cần tính toán quy mô hỗ trợ tương ứng với mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; có phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bảo đảm khả thi, hỗ trợ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm…

Ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội - cho biết thêm, tại phiên họp thứ 3, 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có kỳ họp chuyên đề. "Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy trình, quy định", ông nói.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đúng quy định, bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Ông Cường nói rõ thêm, nếu 6 tháng mới họp một lần thì Quốc hội không quyết định được nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền, làm chậm sự phát triển của đất nước.

Nhấn mạnh đây "là sự linh hoạt của Quốc hội" bởi theo ông Cường, nếu 6 tháng mới họp một lần, nhiều vấn đề cần giải quyết theo thẩm quyền Quốc hội sẽ bị chậm trễ.

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế phải kịp thời, hiệu quả

Đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

"Phương châm là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả, gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát", Thủ tướng nói.

Tham gia trả lời chất vấn liên quan đến gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế nhưng phải hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách.

Theo Bộ trưởng Tài chính, thực hiện gói kích cầu, nếu chúng ta bỏ ra mỗi năm 20 nghìn tỷ đồng, 2 năm là 40 nghìn tỷ đồng, theo tính toán sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng bỏ vào nền kinh tế.

Mức này không làm tăng nợ công, bội chi vì nguồn này lấy từ nguồn chưa phân bổ. Ngoài ra, một số gói nữa mà Bộ này tính toán như: phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái, trái phiếu bằng ngoại tệ... để huy động tiền trong dân. Số tiền huy động dự kiến 180.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên điều Bộ trưởng hết sức băn khoăn, khi có tiền rồi thì tiền này, nền kinh tế có hấp thụ được không? Nếu hấp thụ thì ở những lĩnh vực nào? Tiền này chỉ ném vào kinh tế khi các đầu tư công để dẫn dắt đầu tư phải được chuẩn bị.

"Rõ ràng chúng ta phải chuẩn bị mới tiêu được tiền ở các gói kích cầu. Nếu chưa chuẩn bị phải chuẩn bị nhanh. Có vậy mới tiêu tiền được các gói kích cầu", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.