Đại biểu băn khoăn chuyện giải ngân vốn, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chậm

Trần Kháng

(Dân trí) - Phát biểu tại nghị trường sáng nay (27/10), một số đại biểu Quốc hội đặt ra những vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công chậm, tỷ lệ thấp cũng như việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế...

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đánh giá, đại dịch được đẩy lùi, kinh tế tăng trưởng ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng nhanh, đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy còn khó khăn hạn chế, nhưng ngành giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Về những hạn chế, đại biểu này đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.

Đại biểu băn khoăn chuyện giải ngân vốn, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chậm - 1

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) (Ảnh: Quốc Chính).

Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu đề nghị cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.  Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Đại biểu cũng đề nghị, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.

Đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới cần phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại để giữ vững sự phát triển ổn định của kinh tế trong nước, cần bám sát thực tế để chủ động có sự thích ứng linh hoạt để đảm bảo nền kinh tế nước ta độc lập tự chủ trong giai đoạn hội nhập tới; tập trung khai thác các hiệp định thương mại; quan tâm đến vấn đề xuất nhập khẩu; nâng cao tính sáng tạo, chủ động linh hoạt trong công tác quản lý nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo đại biểu này, còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn.

Đại biểu băn khoăn chuyện giải ngân vốn, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chậm - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn tỉnh Kiên Giang) (Ảnh: Quốc Chính).

Cụ thể là cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đến nay, tiến độ triển khai gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch còn chậm chạp, không đảm bảo được hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc, quan trọng như khi đã đề ra.

Đại biểu cũng cho rằng, cần giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế kéo dài từ đầu đại dịch đến nay. Bên cạnh đó là cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp bình ổn giá cả thị trường, khắc phục hạn chế trong điều hành giá xăng để ổn định kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.