Ban ngày làm thợ, tối làm chủ
Những câu chuyện “làm ngoài giờ” nhưng đem lại nguồn thu nhập chính, đang ngày càng phổ biến trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Quán càphê của San. |
Huỳnh Minh San (Tân Bình, TP.HCM), đang làm việc tại một công ty quảng cáo. “Công ty chỉ có chục người. Ở đây, chỉ có lính, không có quan, gặp chuyện là bắt tay vào làm”, San kể. Hai năm rồi, công việc của công ty ngày càng khó khăn, khi có việc mới có mặt ở trụ sở công ty. Phần thời gian còn lại, mỗi người tự tìm cách kiếm sống. Đọc báo thấy chuyện “càphê trộn hoá chất” mà sợ, San quyết định mở một quán càphê rang xay với nguồn vốn khoảng 200 triệu đồng, vay từ anh em trong gia đình. Ba tháng đầu, chỉ biết lỗ. Từ tháng thứ tư trở đi mới có lãi chút đỉnh vì có lượng khách quen “ủng hộ”. “Nếu không kịp thời mở quán càphê, mấy tháng qua không biết lấy gì mà sống”, San tự nhận.
“Đói đầu gối phải bò”
Những câu chuyện tương tự như San là không khó tìm. Tám tiếng ban ngày, họ là những nhân viên làm thuê. Nhưng khi màn đêm buông xuống, họ là những ông chủ thật sự của những doanh nghiệp nhỏ. Không chỉ có mục đích kiếm tiền, không gian về đêm của những “ông chủ” là nơi họ trải nghiệm, thể hiện mà ở những môi trường khác họ không có cơ hội.
Trần Quang Phú là nhân viên văn phòng đại diện của một tập đoàn kinh tế tại Sài Gòn. Nghe tên thì to nhưng công việc lại quá nhàn hạ. Theo lời kể của Phú, từ đầu năm tới nay, hầu như không có việc. “Tám giờ sáng có mặt tại văn phòng. Ngồi nói dóc cho đến hết ngày. Không có việc, đồng nghĩa với lương thấp, chỉ đủ tiền càphê”, Phú nói. Bỏ việc cũng uổng, vậy là Phú tìm thêm việc làm bằng cách mở quán phở. Là dân Pleiku nên Phú học mót cách chế biến phở khô. “Nghĩ lại thấy mình liều. Trước đây chỉ biết ăn chứ đâu biết nấu. Nhưng nhờ bạn bè, khách hàng góp ý nên bây giờ thấy mình nấu ăn… cũng được”, Phú hồn nhiên kể. Đến nay, quán phở khô Pleiku của Phú ở Gò Vấp đã mở được sáu tháng, bốn tháng đầu, mỗi tháng lỗ 50 triệu đồng, từ tháng thứ năm, mới hoà vốn. Tháng thứ sáu có lãi chút chút. Ngoài phở, quán của Phú còn có món bò một nắng Đức Cơ, hải sản dành cho dân nhậu. “Không hề nghĩ đến một ngày mình làm ông chủ quán phở”, Phú cười to…
Từng chủ một quán ăn, rồi đóng cửa vì không có khách, Nguyễn Nhật Vinh (Đồng Nai) huy động vốn từ gia đình được 1,3 tỉ đồng để góp vốn mở công ty chuyên kinh doanh về đèn LED, thực phẩm chức năng, gas… được gần hai năm nay. Ban ngày Vinh là nhân viên tại một công ty truyền thông nhưng khi tan sở, là “giám đốc” công ty với 12 nhân viên. “Những ngày đầu tiên cũng căng thẳng lắm, phải sắp xếp công việc cho hợp lý. Những ngày cuối tuần, vừa đi kiếm khách hàng, vừa lo huấn luyện nhân viên…”, Vinh cười tươi. Việc mở công ty, Vinh thú nhận là do áp lực về “miếng cơm manh áo hôm nay và tiền đồ cho tương lai”. Mức thu nhập của một nhân viên như Vinh mỗi tháng độ 6 triệu đồng, chỉ đủ thuê nhà và ăn sáng.
Nhật Vinh tự nhận mình là kẻ ham chơi. Ai rủ cũng đi. “Lên Tây Bắc, hàng tháng trời. Về miền Tây vài tuần. Chuyện nhỏ. Giữa chuyến đi, nếu hết tiền, hỏi mượn bạn bè, rồi đi làm kiếm tiền trả sau”. Nhưng từ khi làm ông chủ, Vinh đành “xếp lại” thói rong chơi, dành hết thời gian “ngoài giờ hành chính” cho công ty. “Bây giờ, mỗi ngày tôi chỉ ngủ vài ba tiếng. Vừa lo, vừa sợ mà mất ngủ!”, Vinh nói như vậy.
Dù làm ở một công ty nước ngoài có tên tuổi nhưng gánh nặng ba đứa con đến tuổi đi học đã làm Từ Anh Hoàng (Tân Phú, TP.HCM) phải nghĩ đến việc kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Hoàng không cho biết mức lương “chính” bao nhiêu, mà chỉ nói “không đủ sống” nên phải làm thêm. Ban đầu, Anh Hoàng cùng với người anh mở một quán càphê rồi từ từ “nâng cấp” thành công ty, vừa kinh doanh nhà hàng, vừa chế biến càphê bột.
Không chỉ là kiếm tiền
Lúc chưa mở quán, San lê la hết quán này đến quán khác để “giết” thời gian. Từ khi mở quán, San phải làm nhiều việc “mới lạ”: học cách pha chế, tìm nguồn càphê, kể cả việc bưng bê. Hễ nghe giới thiệu chỗ nào bán càphê ngon, San tìm đến để hỏi chuyện, mua hàng. Khách khen ngon, lần sau lấy tiếp, còn dở, nói lời chia tay. Rồi lên mạng tìm thông tin về các loại càphê để “nói dóc” với khách hàng. Ngồi với tôi chưa được một tiếng mà mấy lần San phải xin lỗi để phụ với nhân viên dọn bàn, mời khách… và tính tiền. “Mấy tháng trời nhiều đêm không ngủ được vì lo. 200 triệu đồng chứ có ít đâu. Rồi sợ quán không có khách. Phải nghĩ nhiều chiêu để kéo khách. Mệt thiệt”, San tâm sự. “Khách đến quán, mục đích là thư giãn. Không chỉ tổ chức, sắp xếp trang trí quán cho hài hoà mà tôi còn phải để mắt đến chất lượng phục vụ, món ăn… Vui thì có vui nhưng cực”, Hoàng bộc lộ.
Nỗi khổ lớn nhất của những ông chủ này chính là “cân phân” thời gian và công việc chính và phụ. Hết giờ làm, Anh Hoàng vội vã trở về trụ sở công ty để giải quyết những công việc hàng ngày mà trong giờ hành chính chỉ điều hành qua điện thoại và email. Những lúc đông khách, Phú vừa thu tiền, kiêm luôn chân chạy bàn.
“Bán quán cực lắm nhưng vui vì có thu nhập, gặp được nhiều bạn bè, khách hàng cùng quê để hiểu hơn về nghề mà mình đã lựa chọn”, Phú chia sẻ. Còn với Anh Hoàng, khi về với góc riêng của mình, nhìn cơ ngơi đã dày công sức và tiền bạc mà “sung sướng và ấm áp”. “Mình phải cân nhắc, thu xếp công việc của hai bên nhưng với nhà hàng này, đó là của riêng mình. Nhất là những ngày nghỉ, toàn tâm toàn ý với nó, vui lắm”, Hoàng tâm sự. Còn với Nhật Vinh, công ty là nơi để trải nghiệm “nhân tình, thế thái”. “Từ khi có công ty riêng mình hiểu hơn về nỗi khổ của những ông chủ. Từ đó mình thông cảm hơn với ông chủ mà mình đang là nhân viên”, Vinh nói.
Còn San, những khi vắng khách, trầm mặc bên ly càphê nóng để ngẫm về cuộc đời mình. Với San, đó là những phút giây bình yên nhất.