Bấn loạn sóng dữ, dân Việt lo phòng thủ túi tiền
Những cơn sóng bất thường của chứng khoán cuốn bay hàng tỷ USD, vàng đột ngột tăng giá mạnh, USD đi lên… đã khiến nhiều người dân thận trọng hơn để lo giữ túi tiền của mình.
Các thị trường trồi sụt mạnh
Hai ngày nay, giá vàng trong nước bất ngờ tăng dựng ngược do sức cầu mặt hàng này ở một số khu vực tăng mạnh. Trong khi giá vàng thế giới không có nhiều biến động và đang đứng ở mức cao 1.300 USD/ounce.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Báo động mì chính, bột nêm giả |
Sáng 15/5, giá vàng trong nước tăng thêm 300.000 đồng/lượng sau khi đã tăng dựng ngược gần 1 triệu đồng/lượng chiều phiên liền trước và đang hướng tới ngưỡng 37 triệu đồng/lượng sau một thời gian dài quanh mốc 35,5 triệu đồng.
Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới giãn rộng thêm cả triệu đồng/lượng lên mức khoảng 3,5 triệu đồng do các DN kinh doanh vàng trong vài ngày qua luôn nâng giá bán ra với tốc độ cao hơn so với giá mua vào.
Nếu tính theo mức tăng giá trong nước thì tài sản của người dân nằm ở vàng (ước tính khoảng 500-1.000 tấn) có giá trị tăng thêm từ 0,8-1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi giá thế giới không biến động cò nghĩa người Việt đang mất đi số tiền tương ứng để mua sự an tâm với vàng.
Trong khi đó, TTCK tụt giảm, USD tăng giá trong những ngày gần đây khiến túi tiền của nhiều người tụt giảm nghiêm trọng.
Phiên giao dịch 8/5, chứng khoán đã giảm mạnh nhất trong lịch sử với cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index rớt trên dưới 6%, tương đương hơn 3 tỷ USD. Chưa dừng ở đó, sau 1 phiên lấy lại được 30% số mất mát trong phiên lịch sử, TTCK sáng 12/5 lại bốc hơi khoảng 2,5 tỷ USD.
Cùng với xu hướng điều chỉnh giảm trước đó, trong khoảng 6 tuần qua, TTCK đã bị quét bay gần chục tỷ USD.
Hiện tượng tháo chạy trên TTCK được nhiều CTCK đánh giá là do nhiều ảnh hưởng ảnh hưởng từ các diễn biến thời sự gần đây. Cùng với sự sụt giảm của thị trường, rất nhiều đại gia mất hàng nghìn tỷ đồng như ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Đoàn Nguyên Đức... Nhiều DN mất cả nghìn tỷ đồng vốn hóa như MSN, VNM, VIC, HSG, HPG, HAG...
Sự suy giảm của lãi suất trên thị trường NH cũng khiến cho túi tiền của người dân bị ảnh hưởng và nhiều NH cũng chứng kiến tổng tài sản sụt giảm mạnh như Vietcombank giảm gần 23 nghìn tỷ đồng trong quý I/2014, SHB giảm gần 16 nghìn tỷ...
Tuy nhiên, việc nhiều cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong 52 tuần qua cũng khiến hoạt động bắt đáy mua vào diễn ra khá mạnh. Trong khi đó, vàng tăng giá cũng khiến một số người quyết định bán vàng khi thấy giá ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Dòng tiền cũng được kỳ vọng chảy nhiều hơn vào sản xuất.
Cơ hội kiếm lời cho người bản lĩnh
Hiện tượng vàng trong nước tăng giá mạnh hơn thế giới được đánh giá có một phần lý do từ tâm lý muốn mua vàng để bảo vệ tài sản của một bộ phận người có tiền nhưng chưa kiếm được kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh chứng khoán giảm mạnh, lãi suất NH thấp còn BĐS trầm lắng.
Trên thực tế, khả năng vàng trong nước tăng giá và chênh lệch với vàng thế giới tăng cao đã được nhiều NĐT dự đoán. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường vàng không đồng nhịp với những diễn biến trong khu vực. Thống kê của các DN kinh vàng cho thấy, sức cầu khá mạnh ở khu vực miền Nam nhưng ngoài Bắc tình hình khá ổn, chênh lệch mua-bán là có nhưng không mất cân bằng. Việc niêm yết giá có phần theo xu hướng của miền Nam.
Đánh giá về hiện tượng thị trường vàng tại khu vực miền Bắc không sốt nóng như đã từng xảy ra trong nhiều lần trong các năm trước đó, đại diện một DN kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, là do vàng trong hơn một năm qua không còn thực sự hấp dẫn với giới đầu tư. Vàng thế giới đang trong xu hướng giảm giá sau hơn 10 năm tăng mạnh liên tục. Giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khá nhiều nên khả năng tăng mạnh là rất thấp.
Trong phiên giao dịch ngày 14/5, giá vàng thế giới đã tăng gần 1% mà nguyên nhân được đánh giá chủ yếu là do căng thẳng tại Ukraine leo thang sau khi những người ủng hộ ly khai thân Nga tại miền đông bắn chết 7 binh sĩ Ukraine trong một cuộc phục kích đẩy nước này gần bên bờ vực nội chiến. Theo các chuyên gia, cuộc xung đột tại Ukraine khiến nhu cầu đối với vàng hồi phục sau khi mặt hàng này giảm giá 28% trong năm 2013.
Tỷ giá USD cũng được dự báo sẽ không có biến động mạnh. NHNN gần đây cho biết chưa điều chỉnh tỷ giá USD dù có thực trạng USD thời gian gần đây dâng cao. Việc ổn định tỷ giá luôn là ưu tiên của thống đốc Nguyễn Văn Bình kể trong nhiều năm qua.
Còn về TTCK, hiện tượng cổ phiếu giảm giá mạnh cũng có nhiều lý do như các DN còn khó khăn, tình hình vĩ mô chưa được cải thiện nhiều và quan trọng hơn là TTCK đã tăng nhiều trong 3 tháng đầu năm. Việc điều chỉnh giảm có lẽ là không tránh khỏi. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại đang chảy vào đều đặn với nhiều phiên mua ròng hàng trăm tỷ đồng cho thấy cổ phiếu giá thấp đang hấp dẫn các quỹ đầu tư. Nhiều NĐT trong nước cũng có xu hướng tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng.
Nói chung, các thị trường tài sản trong nước cũng như trên thế giới chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Diễn biến nhiều khi rất phức tạp và nhiều khi cảm tính lớn hơn là dựa trên các con số. Thị trường có tăng, ắt có giảm và ngược lại. Nhiều NĐT có thể còn phải trải qua nhiều cảm xúc như tiếc nuối hay thót tim trong thời gian tới.
Theo Mạnh Hà