1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bán lẻ và tiêu dùng – cuộc đua cần sức bền

(Dân trí) - Siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải ứng biến từng ngày trước những thay đổi từ thói quen của người tiêu dùng, đồng thời tính toán các cơ hội phục hồi cho mình thời kỳ hậu Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh việc “bắt sóng” hành vi của người tiêu dùng thì việc định hình chiến lược để khẳng định thương hiệu, tạo sức cạnh tranh là bài học cần thiết đối với các doanh nghiệp trong nước.

Thị trường bán lẻ tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột kinh tế khi duy trì tăng trưởng ngay trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,913 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 311.100 tỷ đồng, tăng đến 17,3% so với tháng 4. Sức mua đang nhanh chóng tăng trở lại sau giai đoạn khó khăn vì giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cuộc đua cần sức bền

Hiệp định EVFTA được thông qua dự kiến sẽ mang lại những điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng. Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội thì EVFTA đang tạo ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.

Bán lẻ và tiêu dùng – cuộc đua cần sức bền - 1

Đó là sự gia tăng áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn có tiềm lực mạnh, nguy cơ “thất thủ” ngay trên “sân nhà” của các doanh nghiệp nội địa là có thể xảy ra.

Thực tế, khách hàng hiện nay đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, sản xuất và hàng hóa châu Âu đang có lợi thế về mặt này. Hơn nữa, ngay sau khi EVFTA được “bấm nút” nhiều doanh nghiệp châu Âu đã chủ động tiếp cận các hệ thống phân phối trong nước để chào hàng. Đây là điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) cho biết, EVFTA mở ra cơ hội cho Việt Nam thì cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoại tiếp cận thị trường nước ta với chi phí rẻ, các doanh nghiệp nội địa có vốn nhỏ, trình độ quản lý chưa cao chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ còn chịu thách thức khi phải thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và kinh tế số. 

Theo bà Lê Minh Trang, đại diện Nielsen Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa đang có lợi thế là xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam là sử dụng các sản phẩm tiêu dùng nội địa nhiều hơn. Số liệu thống kê của Nielsen cho thấy, có tới 17% người tiêu dùng Việt Nam chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% người dùng đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa.

Sự thay đổi hành vi mua sắm này của người tiêu dùng đã đem lại sự tăng trưởng vượt bậc cho nhiều nhà bán lẻ trong mùa dịch Covid-19, và có thể “tạo bàn đạp” để duy trì và tiếp tục phát triển trong dài hạn.

Theo dự tính, tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm.

Tuy nhiên, làm thế nào đển hàng Việt “giữ chân” được các “thượng đế” trong nước là câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối nội địa phải tự đi tìm câu trả lời.

Cơ hội cho người biết tận dụng

Xét về Top 3 nhà bán lẻ ở Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong mùa dịch vừa qua dựa trên phần trăm thị phần về lượng giao dịch, như khảo sát của Kantar ở nhóm siêu thị và đại siêu thị thì có Big C (với tỷ lệ tăng trưởng 67%), hệ thống Vinmart (30%), hệ thống Coop (16%). 

Tuy nhiên, sau thương vụ M&A đình đám giữa Masan và VinCommerce – đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+ đang định hướng ngành bán lẻ sang một bước ngoặt mới.

Sau khi sáp nhập, Masan đã chuyển hướng đặt hàng của VinCommerce theo dạng OEM - tức là đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Tại các điểm của hệ thống chiếm gần 30% thị phần bán lẻ này, tập đoàn cũng đã thay đổi cách trưng bày và cơ cấu ngành hàng, bổ sung them nhiều sản phẩm do hãng sản xuất. Ngoài ra, VinCommerce còn là nhà bán lẻ tiên phong trong chiến lược đa kênh với khả năng tiếp cận 8,7 triệu khách hàng thông qua các ứng dụng mua sắm.

Đối với mảng thực phẩm tươi sống tại chuỗi siêu thị Vinmart thì 60% thị phần thuộc về thương hiệu MEATDeli. Đây là sản phẩm thịt mát lần đầu tiên được chứng nhận công nghệ châu Âu của Cty Masan Meatlife (MML). Masan dự kiến, đến cuối năm 2020, doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng.

Nhìn vào diễn biến này có thể thấy, Masan đã tiếp tục duy trì định hướng của Vingroup đi đúng vào phân khúc thị trường mà các nhà bán lẻ như BigC, Co.op Mart, Bách hóa Xanh... còn bỏ trống, hoặc chưa có khả năng tổ chức. Đó là các cửa hàng tiện lợi, bán hàng hóa tiêu dùng và thực phẩm thiết yếu trong từng khu dân cư.

Đặc biệt, khi nắm trong tay chuỗi phân phối từ sản xuất tới tiêu dùng, hai mảng hoạt động chính của Masan là sản xuất và thương mại sẽ tương hỗ cho nhau, tạo lợi thế kinh doanh vững chắc cho tập đoàn, tạo thành vòng tròn sản xuất-bản lẻ khép kín, trong đó đặt người tiêu dùng làm trọng tâm.

Mặt khác, mô hình cửa hàng tiện lợi của Masan cũng cạnh tranh với mô hình bán lẻ trong các khu dân cư hiện nay, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, hướng tới các thương hiệu tin cậy. Sẽ không có chuyện cạnh tranh thôn tính thương hiệu bán lẻ với BigC, Co.op Mart, Bách hóa Xanh…, nhưng khả năng phân chia lại ngành kinh doanh hàng đã là triển vọng thấy rõ.

Nói cách khác, việc tiếp nhận VinCommerce đã mở ra cơ hội và tạo lợi thế giúp Masan định hình lại thị trường bán lẻ quốc gia sau khi đã trở thành doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu lớn nhất Việt Nam.

Trường Thịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm